Ngày 22/6 kỷ niệm 51 năm minh tinh qua đời. Bà ra đi vì sốc thuốc trong một căn nhà thuê tại London (Anh), hưởng dương 47 tuổi. Hơn bốn thập kỷ hoạt động, Garland được đánh giá là một trong những ngôi sao hàng đầu thế giới, trong cả điện ảnh và âm nhạc.
Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ cũng nhớ đến Judy Garland là một minh chứng cho mặt trái của ngành công nghiệp giải trí. Nhà báo Anne Helen Petersen, tác giả cuốn Scandals of Classic Hollywood: Sex, Deviance and Drama from the Golden Age of American Cinema, từng viết: "Garland là nạn nhân đầu tiên của sự nổi tiếng bị phanh phui và chắc chắn không phải trường hợp cuối cùng".
Judy Garland chào đời năm 1922 với tên khai sinh Frances Ethel Gumm. Suốt tuổi thơ bà chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau. Ông Frank - cha bà - bị nhiều người dân địa phương đồn có sở thích tình dục bệnh hoạn với các nam thiếu niên. Gia đình sau đó phải chuyển đến California (Mỹ) sống để tránh dị nghị.
Judy Garland bị gia đình "ép lớn". Thay vì được sống như những đứa trẻ cùng tuổi, bà đối mặt gánh nặng kiếm tiền. Gia đình sở hữu một rạp hát nhỏ, tạo điều kiện cho Garland tiếp xúc với diễn xuất từ năm ba tuổi. Mẹ bà tìm mọi cách để các con gái dấn thân vào làng giải trí, ép chúng biểu diễn tại quán rượu, sòng bạc để gây ấn tượng với các ông bầu. Năm 13 tuổi, Garland ký hợp đồng với MGM, một trong những hãng phim lớn nhất bấy giờ.
Lịch làm việc dày đặc khiến bà bị mẹ và đoàn phim bắt sử dụng các loại thuốc an thần, kích thích. Năm 15 tuổi, Judy Garland bắt đầu bị phụ thuộc vào các loại thuốc và sử dụng chúng đến cuối đời. Theo Time, trong thời gian đóng và quảng bá The Wizard of Oz (1939), MGM cho Garland dùng amphetamines, một loại thuốc kích thích giúp bà luôn tỉnh táo trên phim trường. Buổi tối, họ ép bà uống thuốc để đi ngủ đúng giờ.
Giai đoạn này, Judy Garland cũng bị ám ảnh với cân nặng của bản thân sau một số bình luận khiếm nhã của các giám đốc đoàn phim. Họ luôn yêu cầu bà thực hiện chế độ ăn kiêng. Theo Time, khi quay cảnh uống một cốc sữa lắc, cô bé 15 tuổi lúc đó chỉ được phép giả vờ ngậm miệng vào ống hút, không được uống dù rất đói.
The Wizard of Oz đưa Garland thành sao hạng A tại Hollywood. Bà có thêm nhiều phim ăn khách như Meet Me in St. Louis (1944) Easter Parade (1948). Nhưng thành công càng khiến diễn viên chìm sâu vào các vấn đề tâm lý, hậu quả của việc thường xuyên dùng các loại thuốc an thần, kích thích. Ở tuổi đôi mươi, bà bắt đầu nghiện rượu.
Sức khỏe Judy Garland suy giảm rõ rệt, khiến bà thường vắng mặt tại phim trường. Các bác sĩ khuyên bà chỉ làm việc liên tiếp bốn hoặc năm buổi một tuần, tạo thêm các kỳ nghỉ giữa những đợt quay dài ngày. MGM nhiều lần đình chỉ Judy Garland, trước khi chấm dứt hợp đồng năm 1950, sau 15 năm bà cống hiến cho hãng.
Trong sự nghiệp, Judy Garland cho biết thường xuyên bị quấy rối bởi các nhân vật quyền lực trong làng phim. Louis B. Mayer - người sáng lập hãng MGM - được mệnh danh là Harvey Weinstein của thế kỷ 20, dính nhiều bê bối về tình dục với các nữ diễn viên. Ông từng bị tố cáo sàm sỡ Judy Garland lúc tuổi thiếu niên. Chính Mayer đặt biệt danh cho bà là "gù lưng" và miệt thị cân nặng, ngoại hình diễn viên trước đoàn phim. Trong tự truyện, chồng thứ hai của Garland tiết lộ nhiều nam diễn viên từng thò tay dưới váy để trêu chọc bà khi đóng The Wizard of Oz.
Công việc cũng ảnh hưởng lớn tới đời sống tình cảm của Judy Garland. Năm 18 tuổi, bà phải lòng nhạc công David Rose và mang thai. Mối quan hệ bị gia đình và công ty của Garland phản đối, vì lúc đó Rose chưa hoàn tất vụ ly dị vợ cũ. Mẹ Garland ép bà đi phá thai và không cho hai người công khai tình cảm. Cặp sao cưới năm 1941 nhưng chia tay sau hai năm chung sống.
Judy Garland trải qua năm đời chồng và có ba con. Không cuộc hôn nhân nào của bà được nhận xét là êm ấm, hạnh phúc. Sau David Rose, những người chồng tiếp theo còn gây cho bà nhiều đau khổ hơn. Trong thời gian sống cùng chồng thứ hai, đạo diễn Vincent Minnelli, bà từng dùng mảnh thủy tinh cứa cổ tay tự tử nhưng không thành. Sidney Luft, chồng thứ ba, nghiện rượu và thường bạo hành mẹ con Garland. Bà cũng tố cáo Mark Herron đánh mình. Trong khi đó, Herron khẳng định hai người có xô xát nhưng ông chỉ đánh Garland để tự vệ. Sau khi chia tay, Mark Herron công khai đồng tính và bắt đầu hẹn hò nam diễn viên khác.
Mickey Deans - chồng cuối của Judy Garland - cũng là người đẩy bà tới tận cùng tuyệt vọng. Hai người quen khi Garland bỏ lại các con, đến London ca hát để kiếm tiền trả nợ. Deans lúc đó là một chủ hộp đêm, tìm mọi cách tiếp cận minh tinh vì nhìn thấy cơ hội kiếm tiền. Chồng ép Garland biểu diễn dù sức khỏe bà không ổn định. Minh tinh phải tăng tần suất sử dụng các loại thuốc để đảm bảo lịch hát. Bà qua đời chỉ ba tháng sau khi cưới Deans.
Trong cuốn sách Not the End of the Rainbow, Lorna Luft - con gái Judy Garland - cho biết: "Khi đi chung xe với Deans trên đường tới đám tang mẹ tôi, ông ấy yêu cầu tài xế đến một nhà xuất bản để ký hợp đồng. Ông ta viết sách về giai đoạn họ sống bên nhau, với tựa đề Weep No More, My Lady: The Best Selling Story of Judy Garland. Ông ta chốt hợp đồng ít giờ trước đám tang mẹ tôi".
Dù có sự nghiệp thành công, kiếm được nhiều tiền, Judy Garland gặp khó khăn tài chính trong những năm cuối đời. Di sản của minh tinh lúc đó chỉ đạt giá trị khoảng 40.000 USD. Các con gái của bà sau này phải trả nợ cho mẹ với sự giúp đỡ của danh ca Frank Sinatra. Họ cho biết bà tiêu tốn tiền vì hào phóng với gia đình, họ hàng, đồng thời thường bị đồng nghiệp, công ty chủ quản lừa gạt khi ký hợp đồng.
Hai con gái của bà là Liza Minnelli và Liza Luft đều theo nghiệp mẹ, thành công tại Hollywood. Con gái cả - Liza - từng đoạt tượng vàng Oscar với phim Cabaret (1972). Cô nói trên Time: "Cuộc sống của mẹ giống một chiếc dây luôn bị kéo căng. Tôi chưa từng nghĩ bà tìm kiếm hạnh phúc. Mẹ luôn nghĩ hạnh phúc là khi mọi chuyện kết thúc".
Đạt Phan