Nhà băng thừa nhận đã vi phạm các quy tắc về ngân hàng khi không giám sát đúng mức hoạt động giao dịch. Hậu quả là một nhóm giao dịch viên đã liều lĩnh đặt cược vào các công cụ tài chính phái sinh phức tạp, khiến JPMorgan thiệt hại khoảng 6 tỷ USD năm ngoái.
Cựu nhân viên của JPMorgan ở London - Bruno Iksil đã được đặt biệt danh "Cá voi London" vì tham gia giao dịch quy mô lớn. Hai đồng nghiệp của ông đã bị kết tội năm ngoái tại Mỹ. Tuy nhiên, Iksil vẫn chưa bị kết án và đang phối hợp điều tra với các nhà chức trách, CNN cho biết.
Khoản tiền phạt sẽ được chia đều giữa các cơ quan chức năng. 300 triệu cho Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ liên bang Mỹ, 200 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ, 200 triệu cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và 220 triệu chi Cơ quan Điều hành Tài chính Anh. Vụ án của JPMorgan được xếp vào diện dân sự và không nhân viên nào hiện tại bị phạt bởi các nhà chức trách.
Cornelius Hurley, cựu cố vấn của FED cho biết khoản tiền phạt lớn này chỉ là minh chứng cho việc các ngân hàng "quá lớn để có thể sụp đổ", khi họ hiếm khi phải chịu bất kỳ án hình sự nào. "Các nhà điều tiết ngân hàng đang chịu sức ép khi những nhà băng lớn thường được làm ngơ các hành vi quá đà", ông cho biết.
Còn JPMorgan thì tuyên bố đã sửa đổi chính sách để đảm bảo việc này không lặp lại. “Chúng tôi đã thừa nhận sai sót ngay từ đầu, rút ra bài học và đang sửa chữa chúng”, CEO kiêm Chủ tịch JPMorgan – Jamie Dimon cho biết.
Khoản phạt này cũng chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản 2.400 tỷ USD của ngân hàng. Nhà băng lớn nhất nước Mỹ đã đạt lợi nhuận 13 tỷ USD nửa đầu năm trên doanh thu gần 52 tỷ USD.
Tuy nhiên, scandal giao dịch cũng phần nào ảnh hưởng đến danh tiếng của JPMorgan bởi đây là ngân hàng hoạt động tương đối tốt so với các nhà băng khác trong khủng khoảng tài chính 2008. Cổ phiếu JPMorgan đã giảm 1% trong phiên giao dịch hôm qua vì tin tức trên.
Thùy Linh