Thông tin được New York Times đăng tải trên bản online sáng 18/8, dẫn nguồn từ một bản báo cáo mật của Chính phủ Mỹ, sau đó được nhiều hãng thông tấn thế giới phát lại. Theo đó, JPMorgan Chase đã tuyển Tang Xiaoning, con trai ông Tang Shuangning, cựu quan chức từng chịu trách nhiệm về giám sát hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Bản thân ông Tang Shuangning đang làm Chủ tịch Tập đoàn Everbright, một đế chế tài chính ngân hàng thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, có quy mô thuộc Top 20 thế giới.
Kể từ khi Tang Xiaoning gia nhập JPMorgan, ngân hàng này ký kết một số thỏa thuận quan trọng với Everbright, kể cả hợp đồng tư vấn phát hành cổ phần lần đầu cho một công ty con của tập đoàn. Văn phòng JPMorgan tại Hong Kong còn tuyển Zhang Xixi, con gái một cựu lãnh đạo đường sắt Trung Quốc. Sau đó, JPMorgan cũng giành được hợp đồng tư vấn cổ phần hóa cho công ty của ông bố.
Sau đó, quan chức này đã bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ đối lấy hợp đồng. Thời điểm ái nữ của quan chức ngành đường sắt vào làm việc ở JPMorgan trùng hợp với khoảng thời gian Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đang chọn JPMorgan để làm nhà tư vấn cho kế hoạch cổ phần hóa. Với sự giúp đỡ của JPMorgan, Tập đoàn đường sắt đã thu được hơn 5 tỷ USD khi cổ phần hóa vào năm 2007.
Theo Reuters, JPMorgan gần đây gặp một loạt rắc rối với cơ quan liên bang, đầu tháng đã phải cung cấp thông tin cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ về việc phòng chống tham nhũng, hối lộ.
"Chúng tôi đang hợp tác toàn diện với cơ quan chức năng về vấn đề này", nữ phát ngôn viên JPMorgan ở Hong Kong nói.
Scandal của JPMorgan được khơi ra sau khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ mở cuộc điều tra với ngân hàng. Gần đây, JPMorgan liên tục khiến các nhà chức trách phải để mắt vì một số vụ lùm xùm, bao gồm sự cố thua lỗ hơn một tỷ USD trong giao dịch hồi năm ngoái. Trong quá trình điều tra, Ủy ban Chứng khoán bất ngờ tìm thấy những thông tin cho thấy JPMorgan đã thuê một số nhân sự "đặc biệt" ở Hong Kong và Trung Quốc trong những năm qua.
Cả Zhang và Tang đều không còn làm việc ở JPMorgan. Bài báo của Times nhấn mạnh trong tài liệu điều tra của Chính phủ Mỹ, các nhà chức trách chưa kết luận việc thuê người của JPMorgan có liên quan như thế nào đến khả năng giành hợp đồng của công ty này tại Trung Quốc, cũng không đưa ra nhận định về khả năng làm việc của những người được thuê trên. Hơn nữa, bản điều tra cũng chưa có hàm ý nào rằng những người được trả tiền đã giúp JPMorgan giành hợp đồng. Cho đến nay, JPMorgan chưa bị cáo buộc vào bất cứ sai sót nào.
Tuy nhiên, Times cho rằng những gì Ủy ban Chứng khoán Mỹ vạch ra trong bản điều tra mật đã cho thấy quy trình thuê người của JPMorgan tại Trung Quốc có nhiều dấu hỏi. Các nhà chức trách nghi ngờ rằng JPMorgan thường thuê thế hệ kế cận trẻ trong những gia đình quan chức tập đoàn Nhà nước có mối liên hệ làm ăn với họ.
Thập kỷ qua, các công ty phương Tây đã cạnh tranh quyết liệt nhằm giành giật những miếng bánh béo bở trong thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc. Việc các công ty đa quốc gia thuê con cái của chính trị gia Trung Quốc không còn là điều lạ. Nhưng ở vụ JPMorgan lần này, người ta thấy công ty Mỹ thuê con cái của các tập đoàn Nhà nước.
Sự việc càng trở nên đặc biệt hơn nữa khi các nhà chức trách Mỹ quyết định mở cuộc điều tra sâu. Lâu nay, chỉ có một số công ty Phố Wall đối mặt với cáo buộc hối lộ, bao gồm một sự cố của Morgan Stanley cách đây không lâu.
Trong những năm gần đây, Ủy Ban Chứng khoán và Bộ Tư Pháp Mỹ rốt ráo hơn trong việc thực thiBộ Luật chống tham nhũng nước ngoài ra đời từ năm 1977. Theo đó, điều luật ngăn cấm các công ty Mỹ đưa bất cứ thứ gì có giá trị cho các quan chức nước ngoài nhằm đổi lấy thuận lợi một cách không thích hợp trong làm ăn kinh tế.
Kể từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã điều tra 40 trường hợp liên quan đến điều luật trên, trong đó có các công ty như Tyco hay Ralph Lauren. Trong cùng khoảng thời gian, Bộ Tư Pháp Mỹ đã điều tra hơn 60 trường hợp.
Theo các chuyên gia về luật pháp, việc thuê con cái của các quan chức không có gì vi phạm pháp luật. Sự việc chỉ đi ngược luật pháp khi công ty đó đưa ra một vị trí làm việc để đổi lấy công việc kinh doanh.
"Bản thân việc thuê con trai hay con gái của các quan chức là không phạm pháp. Tuy nhiên nghi ngờ sẽ nảy sinh nếu người được thuê không đủ khả năng đáp ứng công việc. Hoặc ví dụ, nếu công ty đó chưa bao giờ giành được hợp đồng và bỗng nhiên thành công sau khi thuê nhân sự", Michael Koehler, một chuyên gia về luật tham nhũng hiện làm việc tại Đại học Luật Nam Illinois giải thích với Times.
Trong sự việc đầu tiên nói trên, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đang tìm hiểu về mức lương mà quý tử nhà Tập đoàn China Everbright được nhận từ khi vào làm ở ngân hàng năm 2010 đến cuối 2012.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng điều tra về mối liên hệ giữa việc thuê con trai của Chủ tịch tập đoàn với các hợp đồng mà JPMorgan đã có với China Everbright và các công ty con. Những điều tra ban đầu cho thấy trước khi thuê Tang, JPMorgan có rất ít liên hệ làm ăn với China Everbright. Tuy nhiên sau khi thuê nhân sự này về, China Everbright nổi lên như một trong những đối tác hàng đầu của hãng tại châu Á. Năm 2011, ngân hàng con của Tập đoàn thuê JPMorgan với tư cách một trong 12 nhà tư vấn tài chính phục vụ cho quá trình cổ phần hóa. Do khủng hoảng kinh tế và hệ thống ngân hàng Trung Quốc, hợp đồng trên cho đến nay đang được hoãn lại.
Năm 2012, JPMorgan cũng là ngân hàng duy nhất được China Everbright International – một công ty con khác của Tập đoàn – thuê để tư vấn cho thương vụ bán 162 triệu USD cổ phiếu. Theo điều tra, JPMorgan cũng có cổ phần trong công ty con này.
Cùng năm đó, China Everbright thuê JPorgan giúp tái cấu trúc Focus Media, một công ty con chuyên về quảng cáo của tập đoàn để tư nhân hóa.
Hiện Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng điều tra những động thái tương tự của JPMorgan trong vụ thuê ái nữ Zhang Xixi của quan chức ngành đường sắt Trung Quốc. Thông tin trang cá nhân Facebook của cô cho biết trước khi gia nhập JPMorgan, Xixi học trường Đại học Stanford.
Theo điều tra, có những bằng chứng cho thấy Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã thuê JPMorgan khi cổ phần hóa năm 2007. Ái nữ Zhang Xixi được thuê trong khoảng thời gian này.
Bốn năm sau, JPMorgan cũng giành được hợp đồng tư vấn IPO cho một công ty vận hành đường sắt cao tốc khác. Hợp đồng đổ bể năm 2011 khi tàu cao tốc của công ty gây tai nạn làm chết 40 người và hàng trăm người bị thương. Sự việc đã làm dấy lên những dấu hỏi về tham nhũng trong hệ thống đường sắt Trung Quốc.
Bộ trưởng đuờng sắt thời gian đó, ông Liu Zhijun đã bị kết án tử hình treo vì nhận hối lộ để đối lấy hợp đồng đường sắt. Bố của Zhang, một quan chức trong ngành, cũng bị bắt giữ vì nghi ngờ liên quan đến tham nhũng.
Thanh Bình