Jordan hôm qua cho biết nước này sẵn sàng thả Sajida al-Rishawi, kẻ tham gia cuộc tấn công năm 2005 khiến 38 người thiệt mạng tại khách sạn Radisson ở Amman. Jordan sẽ trao đổi nữ chiến binh này lấy sự tự do của phi công Moaz al-Kasasbeh, người bị Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt sau khi chiến đấu cơ F-16 do anh điều khiển rơi tại Syria tháng 12/2014.
"Cái giá hời"
Theo CSMonitor, việc giải cứu phi công khỏi lưỡi dao cận kề của IS sẽ giúp Quốc vương Abdullah của Jordan nhận được ủng hộ trong nước. Ông đang gửi thông điệp rằng ông sẽ làm hết khả năng để đưa các phi công và binh lính trở lại. Phi công Jordan thường xuất thân từ những gia đình có ảnh hưởng và báo chí cũng nhiều lần cho biết Kasasbeh có gia thế danh giá.
Chính phủ có một nguyên tắc quan trọng là phải đưa binh sĩ về nhà khi đã điều họ đến nơi nguy hiểm. Tuy giữ quan điểm không đàm phán với khủng bố, các nước như Mỹ và Israel từng đàm phán để giải cứu binh sĩ bị giam cầm. Họ không phải là phóng viên, nhân viên cứu trợ hay nhà thám hiểm, những người tự quyết định đến những nơi nguy hiểm và cuối cùng bị bắt cóc, mà là những người lính được chính phủ điều động.
Israel năm 2011 thả hơn 1.000 tù nhân Palestine, tất cả số này được phần lớn người Israel coi là "khủng bố". Động thái này của Israel nhằm giải cứu trung sĩ Gilad Shalit, người đã bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza trong 5 năm. Nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã biểu quyết về vấn đề này với kết quả là 26 phiếu ủng hộ, 3 phiếu phản đối. Ông Netanyahu cũng giải thích quyết định tại thời điểm đó rằng: "Với tình hình phức tạp ở Ai Cập và khu vực, tôi không biết liệu tương lai có cho phép chúng ta có một thỏa thuận tốt hơn, hay có bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này hay không. Đây là một cơ hội tốt có thể bị bỏ lỡ".
Al-Rishawi hiện đã trong độ tuổi 40 và có thể sẽ không lên kế hoạch hoặc tham gia tấn công vào Jordan một lần nữa. Ở khía cạnh đó, có thể nói rằng trao đổi bà thay vì trả tiền chuộc là một lựa chọn tốt hơn. Tiền chuộc trả cho các nhóm như IS sẽ khiến chúng mạnh mẽ hơn về mặt tài chính.
Sau khi được thả, al-Rishawi có thể sẽ chỉ đơn giản là sống nốt phần đời còn lại ở khu vực do IS kiểm soát. Chính vì vậy, việc thả bà để đổi lấy trung sĩ Kasasbeh, có vẻ là một cái giá khá "hời".
Nhượng bộ khủng bố
Cuộc hoán đổi tù nhân dự kiến được nhiều người cho là nhượng bộ chủ nghĩa khủng bố. Tại Mỹ, tin tức này được đưa ra khi có tranh cãi về việc trao đổi 5 quan chức cấp cao của Taliban lấy Bowe Bergdahl, lính Mỹ bị giam giữ tại Afghanistan hồi tháng 5/2014. Lầu Năm Góc hôm qua cho biết Bergdahl sẽ bị kết tội đào ngũ vì tự ý rời khỏi vị trí đóng quân tại Afghanistan, dẫn đến việc bị phiến quân cầm tù trong 5 năm.
Trong vụ việc của Bergdahl, Obama và các cố vấn của ông bị thuyết phục rằng những tù nhân Taliban mà Washington phải thả đều không bị buộc tội tham gia tấn công chống lại Mỹ. Việc trả tự do cho một số người trong nhóm này từng là nội dung trong chương trình đàm phán hòa giải giữa Washington với Kabul.
Trong trường hợp của Jordan, chồng al-Rishawi đã đánh bom tự sát tại một tiệc cưới ở khách sạn Radisson, giết chết 38 người, trong đó có cha của cả cô dâu và chú rể. Nếu đai bom mà al-Rishawi đeo cũng phát nổ, số người thiệt mạng sẽ còn cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, gia đình bà có mối liên quan sâu sắc với al-Qaeda ở Iraq, tiền thân của IS. Vì vậy, tuy al-Rishawi đánh bom bất thành và là một phần tử khủng bố không mấy nổi bật, tội ác của bà lại rất rõ ràng.
Vụ tấn công mà al-Rishawi dính líu là một trong ba vụ đánh bom vào các khách sạn ở Jordan năm 2005, khiến tổng cộng 60 người thiệt mạng và 115 người bị thương. Án tử dành cho Rishawi vào năm 2006 vẫn chưa được thực hiện, và có vẻ không phải là biện pháp răn đe hữu hiệu với những phần tử cực đoan khi chúng sẵn sàng kết liễu bản thân để thực hiện âm mưu khủng bố.
Trong khi đó, mục tiêu dài hạn của IS sẽ vẫn giữ nguyên, đó là gây ra nhiều thiệt hại hết mức có thể, khi chúng tiếp tục theo đuổi giấc mơ đánh chiếm toàn bộ khu vực.
Nỗ lực chống IS gặp khó
Khi tung ra video dọa giết hai con tin Nhật Bản và Jordan trong vòng 24 giờ, IS cho biết chúng sẽ thả con tin Nhật Kenji Goto để đổi lấy tự do cho al-Rishawi, nhưng lại không đề cập đến phi công Kasasbeh. Tuy vậy, khi Jordan tuyên bố chấp thuận yêu sách này, nước này lại không nhắc đến con tin Goto.
"Điều IS muốn là đặt Jordan vào một vị trí khó xử", một quan chức Jordan giấu tên nhận định. Vấn đề càng phức tạp khi Nhật Bản lại là một trong những nước viện trợ lớn nhất của Jordan. Tokyo cam kết hỗ trợ 150 triệu USD để giúp đỡ số lượng người tị nạn Syria khổng lồ ở nước này.
Vụ bắt cóc con tin Jordan làm dấy lên làn sóng phản đối quốc gia này tham gia cuộc chiến chống IS. Jordan là một trong 6 quốc gia Arab chiến đấu cùng Mỹ ở Syria, và là một trong 4 nước Arab tham gia không kích IS. Nhiều người Jordan hiện cho rằng Amman lẽ ra không nên tham gia cuộc chiến chống IS. "Cuộc chiến chống IS không phải là cuộc chiến của chúng ta", Hind al-Fayez, một nghị sĩ quốc hội Jordan nói.
Gia đình phi công cũng tổ chức biểu tình đòi Quốc vương Jordan Abdullah thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo tự do cho Kasasbeh và phản đối sự tham gia của nước này vào cuộc chiến chống IS. "Khi con tôi gia nhập không quân, tôi tưởng rằng nó sẽ bảo vệ Jordan chứ không phải là đến chiến đấu ở một nước khác", New York Times dẫn lời mẹ phi công, nói.
"Sự phản đối mạnh mẽ này sẽ khiến ông Abdullah phải rất thận trọng trên con đường chính trị", cây bút Dan Murphy của CS Monitor nhận xét. "Là vị vua cứu phi công Kasasbeh là một chuyện, nhưng là vị vua điều anh ta đến cuộc chiến không được lòng dân lại là điều hoàn toàn khác".
Phương Vũ