Trước đó, trên Tạp chí Y học New England, tiến sĩ Kate Lynn-Muir và các đồng nghiệp tại Đại học Nebraska, Mỹ, cho biết tình trạng đông máu "có thể liên quan đến vector virus". Công nghệ này được sử dụng trong cả vaccine của AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Cơ chế của nó là dùng virus vô hại (đóng vai trò vector) đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Ngày 15/4, tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết việc cả J&J và AstraZeneca sử dụng chung cách điều chế là "manh mối khá rõ" cho thấy các ca đông máu có thể liên quan đến nhau.
Trong báo cáo ngày 16/4, Macaya Douoguih, nhà khoa học trực thuộc J&J và các đồng nghiệp chỉ ra rằng vector được sử dụng trong vaccine của hãng và AstraZeneca "về cơ bản khác nhau". Những khác biệt đó có thể tạo ra "hiệu ứng sinh học riêng biệt".
Cụ thể, vaccine J&J chứa virus vô hại lấy từ người, trong khi vaccine AstraZeneca sử dụng virus từ tinh tinh. Các liều J&J có thêm đột biến của virus để ổn định thành phần protein trong nCoV, trong khi vaccine AstraZeneca thì không.
Tiến sĩ Dan Barouch, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Virus, Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconness của Đại học Harvard, nhận định: "Các vector rất khác nhau. Sự liên quan của chúng vẫn chưa rõ ràng vào thời điểm này".
Trong báo cáo, các nhà khoa học từ J&J cho biết hiện chưa đủ bằng chứng để khẳng định vaccine của hãng gây đông máu. Họ sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan y tế để đánh giá dữ liệu.
Hội đồng cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dự kiến nhóm họp vào ngày 23/4 để đánh giá xem có nên nối lại tiêm chủng bằng vaccine J&J hay không.
Ngày 13/4, Mỹ khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine này sau khi ghi nhận 6 ca rối loạn đông máu hiếm gặp. Toàn bộ bệnh nhân đều là phụ nữ, độ tuổi từ 18 đến 48. Một người đã tử vong, một ca khác ở bang Nebraska nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sự cố được đánh giá có thể làm phức tạp thêm nỗ lực tiêm chủng ngay tại thời điểm nhiều bang đang đối mặt số ca nhiễm nCoV mới gia tăng, cũng như trở ngại với chiến dịch tiêm phòng.
Đến ngày 15/4, khoảng 78,5 triệu người Mỹ đã được tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19.
Thục Linh (Theo Reuters)