Trong cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đại diện J&J cho biết trường hợp thứ nhất là một nam thanh niên 25 tuổi, vốn khỏe mạnh. Anh này được tiêm vaccine vào ngày 21/9 trong cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Tám ngày sau khi tiêm, anh này mệt mỏi, ngất xỉu, đau đầu, đau bụng, nhập viện vì xuất huyết não. Hiện, anh được xuất viện, đang hồi phục sau nhiều đợt điều trị.
Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 59 tuổi, từng mắc bệnh động mạch vành. Bảy ngày sau tiêm vaccine, bà gặp các phản ứng phụ, được chẩn đoán mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.
J&J cũng báo cáo thêm một phụ nữ 24 tuổi bị xuất huyết não sau khi dùng giả dược trong quá trình thử nghiệm.
Ngày 13/4, CDC khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của J&J sau 6 ca bị chứng rối loạn đông máu hiếm gặp sau khi tiêm. Sáu người này đều là phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 48. Một người đã tử vong, một người khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Các chuyên gia chưa xác định khả năng vaccine gây đông máu. Trước đó, đối với vaccine AstraZeneca, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) coi đông máu là tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp. Các chuyên gia y tế công cộng Mỹ lưu ý đối với hầu hết người dùng, lợi ích của vacicne vượt xa rủi ro.
Đến nay, 7,2 triệu người đã tiêm vaccine của J&J không gặp phản ứng phụ nghiêm trọng nào khác. Tỷ lệ bị đông máu sau tiêm là chưa tới một trường hợp trong số một triệu người tiêm, được cho là con số cực kỳ thấp. Nguy cơ nhiễm nCoV ở Mỹ cao hơn rất nhiều.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến cáo người đã tiêm vaccine J&J trong ba tuần qua liên hệ với bác sĩ nếu có triệu chứng đau đầu dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở.
Mai Dung (Theo New York Post)