Ai đó đã nói: Bóng đá là ngôi nhà của những anh hùng thoáng qua và những tội nhân thiên cổ. Đấy là nơi mà để được vinh danh, người ta phải tận dụng tối đa vận rủi của kẻ khác. Và khi Terry nghỉ hưu, một trong những ký ức hiện lên trước tiên là cú trượt chân định mệnh của anh ở chung kết Champions League 2008 tại Moskva (Nga). Ngay trên mảnh đất quê hương, tỷ phú sở hữu Chelsea - Roman Abramovich cay đắng nhìn kình địch Man Utd nâng cao chiếc "Cúp tai to". Và không ai khác ngoài thủ quân của ông, Terry, là người sút chiếc Cup ấy... đi về nơi xa lắm.
Cú sút phạt đền hỏng ăn của Roberto Baggio ở chung kết World Cup 1994 đã kết liễu luôn sự nghiệp của “đuôi ngựa thần thánh”. Nhưng với Terry thì không. Anh lầm lũi trở lại. Những scandal rúng động về đời tư sau đó cũng không thể đánh gục anh. Đôi lúc Terry tạo cảm giác anh là một kẻ sắt đá, không thể bị tổn thương bởi bất kỳ đả kích nào.
Vài năm trước, Terry từng tâm sự: "Một cầu thủ phải trang bị cho bản thân rất nhiều kỹ năng. Nhưng trên hết, phải dũng cảm. Phải luôn giữ vẻ mặt bình thản dù bên trong như sắp nổ tung".
Nghề của Terry là ngăn cản tiền đạo. Anh không cho phép bản thân tỏ ra khiếp nhược dù đối thủ có lợi hại đến đâu. Trước nghịch cảnh cũng vậy, anh không để bản thân ngã xuống. Terry bộc bạch với tờ Guardian: "Tôi yêu việc xoạc bóng, va chạm tay đôi hoặc cắt bóng. Với một trung vệ, giải vây cũng sướng như ghi bàn với tiền đạo. Tôi nghĩ mình đã kế thừa được di sản của những trung vệ tiền bối để lại, những người mà tôi đã dõi theo suốt thời còn nhỏ".
Terry lớn lên ở quận Barking, Đông London. Trên những con phố ấy, vào thập niên 1940, trung vệ huyền thoại Bobby Moore cũng đã chơi thứ bóng đá nguyên thủy nhất. Moore từng đúc kết sáu phẩm chất dành cho một trung vệ hàng đầu: tin cậy, tận lực, dũng cảm, đẳng cấp, chỉ huy và hy sinh. Terry đã cố trui rèn sáu phẩm chất ấy ngay từ khi còn là một cầu thủ trẻ của West Ham, trước khi chuyển sang Chelsea vào năm 1995, ở tuổi 14.
Và cũng ở cái tuổi 14 ấy, Terry bắt đầu đốt cháy giai đoạn với tốc độ ánh sáng. Anh ra mắt đội một Chelsea ở tuổi 17, trong một trận Cup Liên đoàn với Aston Villa (28/10/1998). Anh có vài tháng đá cho Nottingham Forest theo diện cho mượn trước khi trở thành nhân vật chính nơi hàng thủ Chelsea, dưới thời Claudio Ranieri. Đá cặp với đàn anh - thủ quân Marcel Desailly, Terry càng tiến bộ nhanh chóng. Ngay mùa đầu đá chính (2000-2001), Terry nhận luôn danh hiệu cầu thủ Chelsea hay nhất mùa.
Năm 2004, ở tuổi 23, sự nghiệp của Terry bước lên một tầm cao mới khi Jose Mourinho trao băng thủ quân cho anh.
Terry nhớ lại người đã làm thay đổi sự nghiệp, và cuộc đời anh: “Mourinho xuất hiện và tạo ra một cuộc cách mạng nơi bóng đá Anh. Ông ấy đã biến Chelsea thành một cỗ máy thật sự. Chúng tôi vô địch ngay mùa đầu tiên, lập kỷ lục 95 điểm, chỉ thua một trận và lọt lưới 15 bàn”.
Cặp Terry - Ricardo Carvalho trở thành một trong cặp trung vệ tốt nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Với họ án ngữ trước khung thành Petr Cech, Chelsea như dựng boong-ke trước khung thành. Chức vô địch mùa 2004-2005 cũng là lần đầu Chelsea trở lại ngôi vương bóng đá Anh, sau... nửa thế kỷ.
Nhưng vì bị ảnh hưởng nặng từ phong cách của Mourinho, Terry dần trở thành một “Anti-hero” (phản anh hùng) thay vì mẫu người hùng như Bobby Moore thuở trước. Anh trở thành một Walter White trong series phim truyền hình ăn khách "Breaking Bad", ngày càng giỏi giang hơn, tham vọng hơn, tàn nhẫn hơn và bất chấp lề thói xã hội hơn. Nói cách khác, Mourinho đã kích hoạt con quỷ bên trong Terry.
Hành trình vươn lên của Terry bị một đòn choáng váng vào ngày 21/5/2008, khi trận chung kết Champions League diễn ra tại sân Luzhniki ở Moscow. Chelsea dưới sự dẫn dắt của HLV tạm quyền Avram Grant chạm trán Man Utd hùng mạnh của Sir Alex Ferguson.
Cristiano Ronaldo đưa Man Utd vượt lên ở phút thứ 26, nhưng Frank Lampard kéo trận đấu trở về vạch xuất phát. Man Utd tiếp tục có những cơ hội hết sức rõ ràng để kết liễu trận đấu, đặc biệt là cú dứt điểm của Ryan Giggs, nhưng Terry đã chơi lăn xả để giữ gìn mành lưới. Trận đấu buộc phải nhờ đến loạt đấu súng. Khi Terry bước lên chấm 11m, anh biết mình đang nắm giữ vận mệnh lịch sử. Anh bước vững vàng, mặt vẫn lạnh tanh như sát thủ chuẩn bị đi kết liễu con mồi, tay còn chỉnh lại tấm băng thủ quân.
Mọi thứ gần như hoàn hảo. Anh nhìn thẳng vào Edwin van der Sar, rồi thực hiện bốn bước chạy đà. Van der Sar đã bị đánh lừa hoàn toàn. Nhưng ngay vào lúc chân phải của Terry chạm vào bóng, chân trái mất trụ. Bóng bật vào cột dọc rồi đi ra ngoài. Anh gục đầu vào chân, gương mặt vốn đã ướt sũng mồ hôi và nước mưa, bây giờ có thêm nước mắt.
Sau cú sút hỏng ăn ấy, tỷ số vẫn là 4-4 và loạt đấu súng vẫn diễn ra tiếp tục. Sau đó, khi đến lượt Nicolas Anelka đá hỏng ăn thì Chelsea mới mất chức vô địch Champions League về tay Man Utd. Nhưng rất ít người nhắc về Anelka. Người ta chỉ nhớ cú trượt chân và hình ảnh gục ngã của Terry mà thôi. Anh trở thành đề tài châm chọc trên mạng Internet suốt nhiều tháng sau đó. Luzhniki đơn giản là đã chứng kiến sự sụp đổ của một hình tượng kiêu hãnh.
Đêm ấy, số 26 của Terry trở lại thành một... con người, cũng đau khổ, yếu đuối và sa lệ như bất kỳ ai. Tờ Telegraph viết: "Vết đau ấy ám ảnh Terry và tốn rất nhiều năm để chữa lành. Vì trong người anh là dòng máu xanh của Chelsea. Anh đau hơn bất kỳ ai".
Vài ngày sau cú trượt chân, Terry xuất hiện trước báo chí, và nói: "Quả 11m ấy sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Đấy là danh hiệu mà chúng tôi đã khao khát suốt nhiều năm trời, và tôi đã làm mọi người thất vọng. Tôi biết mình đã phụ lòng các đồng đội, gia đình, bạn bè và các CĐV. Tôi đã sống trong sự dằn vặt ấy từng giây từng phút suốt mấy ngày qua. Tôi không ngủ được, tôi ước gì nó chỉ là một cơn ác mộng, ngủ dậy một giấc sẽ quên hết, nhưng không thể".
Vết thương trí mạng ấy có thể giết chết bất kỳ con người nào, ngoại trừ... Terry. Bốn năm sau trận chung kết ở Moscow, Chelsea trở lại trận chung kết năm 2012, khi thế hệ của Terry, Lampard, Cole, Cech và Drogba cùng lên đỉnh cao một lượt. Gặp Barca ở bán kết Champions League, một phút bồng bột đã khiến Terry phải nhận thẻ đỏ vì đá nguội Alexis Sanchez. Ngồi ngoài xem trận chung kết, Terry chứng kiến Chelsea chiến đấu kiên cường và đánh bại Bayern Munich, cũng trên chấm 11m.
Bản anh hùng ca ngày ấy mang đậm dấu ấn của con voi rừng Didier Drogba và Frank Lampard. Nhưng cả hai người đều gọi tên Terry trong những phát biểu sau trận chung kết. "Không có Terry, chúng tôi đã chẳng thể có mặt ở đây hôm nay", Drogba khẳng định. Còn Terry thì nói: "Tôi tin là số phận có sự đền bù thỏa đáng sau những gì diễn ra tại Moscow. Chúng tôi đã có cơ hội để trả lại món nợ của mình. Riêng tôi đã có thể ngủ ngon hơn một chút".
Chức vô địch Champions League ấy là một dấu son trong sự nghiệp của Terry, vốn rất đồ sộ với năm danh hiệu Ngoại hạng Anh, năm Cup FA, ba Cup Liên đoàn, hai Siêu Cup Anh và một Europa League. Anh từng được vinh danh là cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh mùa 2004-2005. Terry là hậu vệ đầu tiên giành vinh dự này kể từ năm 1993 và đến giờ vẫn là hậu vệ gần nhất. Anh được bầu là hậu vệ hay nhất Champions League các năm 2005, 2008 và 2009.
“Đấy là lý do tôi sống”, Terry nói.
Trước khi Terry xuất hiện, các kỷ lục như hậu vệ có số trận trắng lưới nhiều nhất Ngoại hạng, hậu vệ ghi bàn nhiều nhất Ngoại hạng Anh, hậu vệ Anh vào đội hình tiêu biểu của UEFA, FIFPro nhiều nhất, cầu thủ mang băng thủ quân một CLB Anh nhiều nhất thuộc về những cái tên khác nhau. Khi Terry giải nghệ, tất cả đều thuộc về anh.
Ronaldinho từng đặt Terry lên ngang Paolo Maldini. Carlo Ancelotti bảo Terry sinh ra với băng đội trưởng trên tay. Nhưng khó có thể nói Terry là hình mẫu cho các cầu thủ trẻ, cũng như các thanh niên. Vì anh có một lối sống gần như bất chấp. Anh vi phạm luật giao thông khá thường, châm chọc những nạn nhân 11/9, tổ chức “tour tham quan” sân tập Chelsea trái phép, là con nghiện cá cược hạng nặng, có một ông bố dính dáng đến ma túy và một bà mẹ ăn cắp vặt. Terry còn giật bồ của đồng đội, bạn thân Wayne Bridge, và miệt thị chủng tộc em ruột của Rio Ferdinand...
Những lần ấy, truyền thông và công chúng đều hạch tội Terry đến nơi đến chốn. Họ công kích, chế giễu, miệt thị, đe dọa anh. Nhưng rồi Terry vẫn... tỉnh bơ. Nếu cú trượt chân ở Moscow không giết chết được ý chí chơi bóng của anh, thì còn đả kích nào có thể khiến anh sợ hãi nữa đâu. Mourinho đã tạo ra con quái vật Terry. Nó khiến những đả kích, những nỗi đau chỉ càng làm anh mạnh mẽ hơn mà thôi.
Lời cuối cùng cho Terry nhân ngày anh giải nghệ, xin trích lại một câu của nhà văn Charles Bukowski: “Tôi thích những kẻ tuyệt vọng, với tâm hồn và trái tim thương tổn. Vì họ mang đầy những bất ngờ và bùng nổ”.
Và đời sẽ buồn nếu thiếu những phản anh hùng, như Terry!
Hoài Thương