Joe Biden sống ở Scranton, Philadelphia trước khi chuyển tới Wilmington, Delaware khi 10 tuổi. Ngày còn bé, ông thường bị bạn bè trêu chọc vì tật nói lắp. Họ thường gọi ông là "bye-bye" (từ có nghĩa "tạm biệt", phát âm giống chữ "Bi" trong Biden) mỗi khi ông Biden cố giới thiệu tên gọi của mình. Thời trung học, Biden còn bị bạn bè trong lớp tiếng Latin gán biệt danh "Joey chậm chạp" vì tật nói lắp.
Dù vậy, Joe Biden biết ơn mẹ bởi bà luôn động viên: "Joe, đừng để tật nói lắp giới hạn con. Hãy nhớ con là ai và con có thể làm được".
Tổng thống đắc cử Mỹ từng nhiều lần chia sẻ trên truyền thông về tật nói lắp thời nhỏ, và ông cho biết đôi khi nó ảnh hưởng đến ông tận bây giờ, mỗi khi ông thấy mệt.
Năm 2015, Biden từng nói chuyện với một người mẹ ở quán cà phê về trải nghiệm của con gái bà trong Head Start, một chương trình chính phủ nhằm cung cấp giáo dục sớm và dinh dưỡng cho người Mỹ có thu nhập thấp.
"Đứa trẻ có vấn đề về lời nói nhưng qua hoạt động ở Head Start, cô bé đã học được cách nói chuyện, cách giao tiếp, cách cư xử văn minh", bà mẹ nói về đứa con gái đang tập trị liệu ngôn ngữ.
Ông chia sẻ những khó khăn khắc phục tật nói lắp trên đài ABC, năm 2010. Sau đó, ông viết một bài về kinh nghiệm bản thân, đăng trên tạp chí People năm 2011.
"Tôi chưa bao giờ được điều trị tật nói lắp, nhưng một vài nữ tu dạy tôi cách thiết lập nhịp khi nói, đó là lý do tại sao tôi dành rất nhiều thời gian đứng trước gương và quan sát biểu cảm gương mặt khi đọc thơ của Emerson và Yeats", Biden viết.
Tại hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ vào tháng 8, ông gặp một bé trai nói lắp và đã hướng dẫn cho bé cách ngắt câu để bình tĩnh và nói tốt hơn, khiến bé cảm thấy tự tin. Ông thậm chí còn cho bé vào hậu trường buổi mít tinh, chỉ cho cậu thấy bài phát biểu của ông đã được đánh dấu như thế nào để có thể ngắt nghỉ sao cho dễ nói. "Ông ấy khiến việc có tật nói lắp trở thành bình thường", cậu bé kể lại, và nói cậu cũng bắt đầu áp dụng chiến thuật đó cho mình.
Khi được hỏi làm thế nào giúp một sinh viên nói lắp thấy tự tin hơn, Biden nói: "Nghĩ mà xem, nói lắp có lẽ là loại tật duy nhất còn bị người ta cười chê; và bởi thế dù người ta không cố ý xúc phạm, người nói lắp có thể cảm thấy xấu hổ".
"Tuy nhiên cha mẹ dạy tôi nhiều lần rằng sự khác biệt không ngăn cản chúng ta thành công. Thước đo một người đàn ông không phải số lần bị đánh gục, mà là anh ta đã nhanh chóng đứng dậy như thế nào", ông nói.
Nguyễn Ngọc (Theo Stuttering Help)