Năm 1988, Joe Biden nằm trên bàn mổ và chuẩn bị phẫu thuật điều trị chứng phình động mạch não, bác sĩ nói ông có thể không bình phục. Tình trạng nghiêm trọng đến mức một linh mục đã được gọi đến để thực hiện các nghi thức cuối cùng dành cho một người sắp từ giã cõi đời.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi sống sót?", ông hỏi lại. Bác sĩ cho biết phần não bị phình động mạch có thể khiến ông gặp vấn đề về nói năng. Khi ấy, ông đã nghĩ: "Thế quái nào mà họ không bảo với ta thế từ trước chiến dịch tranh cử năm 88 chứ? Lẽ ra đã tránh được khối chuyện rầy rà". Ông kể lại câu chuyện này một cách hài hước vào năm 2013, ám chỉ tình trạng đôi khi bị mô tả là lập bập trong ăn nói.
Trong sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 9 năm nay, ông một lần nữa nói về trải nghiệm của mình: "Tôi đã bị phình động mạch não và đến bệnh viện giữa cơn bão tuyết. Đội cứu hộ kịp thời đưa tôi đến nơi để thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 13 giờ. Họ đã làm mọi thứ".
Trong ca phẫu thuật, Biden phải khoan một lỗ tròn, rộng gần 5 cm trên đỉnh đầu. Một trong hai bác sĩ chính, tiến sĩ Neal Kassell, cho biết đoạn phình động mạch đột nhiên vỡ trong khi tiến hành thủ thuật. Khối máu che lấp khoảng một phần tư tầm nhìn của thấu kính hiển vi. Vài tuần sau đó, Biden được phẫu thuật lần hai. Ca mổ không có sự cố. Kể từ đó đến nay, căn bệnh phình động mạch không tái phát.
Khuya 7/11, Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ ở tuổi 77, trở thành ứng viên lớn tuổi nhất được bầu vào Nhà Trắng. Trong bản tóm tắt tiền sử sức khỏe, Kevin C. O’Conner, bác sĩ riêng của Biden, công bố ông cao 1,8 m, nặng 80,7 kg, huyết áp 128/84. Hiện ông điều trị 4 loại bệnh, bao gồm rung tâm nhĩ (rối loạn nhịp tim), tăng lipid máu (nồng độ chất béo hoặc lipid cao hơn trong máu), trào ngược dạ dày và dị ứng thời tiết.
Bác sĩ phát hiện Biden mắc rung tâm nhĩ năm 2013, khi được đo điện tâm đồ để cắt bỏ túi mật. Tổng thống đắc cử hiện không có triệu chứng bất thường, chưa từng điều trị bằng thuốc đối với bệnh này. Ông cũng không có biểu hiện suy tim, theo kết quả siêu âm gần đây.
Năm 2008, Biden được phát hiện có một khối u tuyến ống trong đại tràng. Ông cũng đã điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt, song chưa từng bị ung thư.
Lối sống lành mạnh
Tiến sĩ Neal Kassell, người từng phẫu thuật cho Biden cách đây ba thập kỷ, cho biết bệnh nhân của mình đã hoàn toàn hồi phục, không gặp các vấn đề về tinh thần, nhận thức. "Ông ấy vẫn sắc bén như 31 năm trước. Tôi không thấy có điều gì thay đổi", Neal Kassell nói.
Ở tuổi 77, dù từng trải qua lúc cận tử, ông Biden nhìn chung vẫn khỏe bởi lối sống lành mạnh. Ông không hút thuốc lá hay uống rượu, tập thể dục 5 ngày một tuần.
Biden có thói quen ăn uống lành mạnh, đề ra những "ngày ăn salad" của riêng mình. Trong những ngày đó, ông chơi bóng chày và bóng bầu dục tại trường trung học. Ông cũng từng là hậu vệ cho đội bóng bầu dục của Đại học Delaware Blue Hens.
Bước sang tuổi 77, ông giữ được vóc dáng nhờ thói quen tập cardio và nâng tạ. Năm 2018, trong show truyền hình về chính trị của đài SiriusXM, anh trai Biden khẳng định ông có thể nâng mức tạ 83 kg. Ông thường đạp xe và tập luyện trên máy chèo thuyền.
Thực đơn hàng ngày của Tổng thống đắc cử gồm nước hoa quả, sữa chua Hy Lạp vào bữa sáng, salad và cá vào bữa trưa, bữa tối.
Dù nhiều người hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông ở độ tuổi cao, Richard Dupee, trưởng khoa Lão tại Trung tâm Y tế Tufts, cho biết: "Một người lớn tuổi với lối sống năng động, luôn được thử thách về mặt nhận thức vẫn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của Tổng thống. Người 95 tuổi đôi khi có trí nhớ tốt hơn người trẻ hơn vài chục tuổi".
Dự đoán sức khỏe của Joe Biden
Các bệnh nền của ông Biden có dấu hiệu gia tăng theo tuổi tác, đặc biệt là chứng suy giảm nhận thức. Trên 65 tuổi, nguy cơ mắc Alzheimer của một người tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Theo nghiên cứu, cứ 14 người trên 65 tuổi thì một người mắc bệnh này.
Ông Biden cũng dễ gặp các biến chứng y khoa. Bệnh phình mạch não năm 1988 có thể dẫn đến đột quỵ nếu không được điều trị dứt điểm.
"Nhưng tiền sử bệnh lý của Biden không đặc biệt quan trọng trong việc dự đoán sức khỏe tương lai của ông", Cameron McDougall, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh Nội mạch tại Johns Hopkins Medicine, nhận định. "Bất kỳ ai cũng có thể mắc phình động mạch, chỉ 10-20% có nguy cơ tái phát. Nếu bệnh được điều trị hiệu quả, sẽ không có các ảnh hưởng sức khỏe dai dẳng".
Thục Linh (Theo ABC News, Politico, Washington Post, Men's Health)