Nhận định này được JLL - hãng dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư, hoạt động tại hơn 80 nước nêu trong một báo cáo mới đây.
Theo JLL, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang được thống trị bởi các công ty viễn thông trong nước như Viettel IDC, FPT Telecom, VNPT, CMC Telecom... Nhu cầu dịch vụ lưu trữ đám mây và phân tích dữ liệu lớn từ các nhà cung cấp này tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua.
Hiện, nhiều doanh nghiệp quốc tế bắt đầu tham gia thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. Một số dự án đáng chú ý, như trung tâm công suất 20 MW của Gaw Capital (Hong Kong) tại Khu công nghệ cao TP HCM. NTT (Nhật Bản) và QD Tek (Việt Nam) cùng hợp tác mở một trung tâm dữ liệu trị giá 70 triệu USD.
Mới đây, Alibaba cũng công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Chia sẻ với tờ Nikkei Asia, ông Đặng Minh Tâm, trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp tại Alibaba Cloud, cho biết kế hoạch của tập đoàn này nhằm bắt kịp nhu cầu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
"Việt Nam đang trở thành tâm điểm đầu tư trung tâm dữ liệu ở châu Á", bà Celina Chua, Giám đốc Giải pháp khách hàng Trung tâm dữ liệu (APAC) của JLL nhận định.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây từ Mỹ được JLL dự báo sẽ theo chân hãng thương mại điện tử Trung Quốc, khiến thị trường ngày càng cạnh tranh và đa dạng hóa dịch vụ. "Việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian", JLL cho biết.
Trong một báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đơn vị nghiên cứu Savills cũng nhìn nhận ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Hiện, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu tại ba miền với tổng công suất đạt 45MW. Savills đánh giá nguồn cung lĩnh vực này tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia vẫn ít hơn Hong Kong hay Singapore, dù dân số đông hơn khoảng 30 lần.
Theo các đơn vị nghiên cứu, Việt Nam chiếm ưu thế trong việc thu hút nhà đầu tư trung tâm dữ liệu nhờ vị trí địa lý chiến lược, chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ. Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ đầu năm 2025 với những quy định linh hoạt, cởi mở hơn sẽ tạo thuận lợi cho thị trường này phát triển, thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Quy hoạch Điện VIII và kế hoạch thực hiện quy hoạch này mới được duyệt, cũng kỳ vọng đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của trung tâm dữ liệu.
Chi phí xây dựng hợp lý, theo JLL, cũng là lợi thế của Việt Nam, dao động 6 đến 13 triệu USD mỗi MW, tùy thỏa thuận và từng địa phương. Trong khu vực, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đang đối mặt với chi phí leo thang. Ngược lại, các nước có chi phí đầu tư tiết kiệm hơn trở thành lựa chọn thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh chóng cũng đi kèm rủi ro. Chuyên gia Savills cho rằng Việt Nam cần giải quyết các thách thức về đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, tiêu thụ tài nguyên bền vững để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực này thời gian tới.
Đình Trí