Gia đình cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter ngày 29/12 thông báo ông đã "ra đi thanh thản trong vòng tay người thân" ở tuổi 100 tại nhà riêng ở thành phố Plains, bang Georgia. Trước khi qua đời, ông là cựu tổng thống sống lâu nhất trong lịch sử Mỹ.
"Jimmy Carter có lẽ không đi vào lịch sử Mỹ với tư cách tổng thống thành công nhất, nhưng ông chắc chắn là cựu tổng thống tuyệt vời nhất mà đất nước từng có", Gunnar Berge, thành viên Ủy ban Nobel Na Uy, phát biểu trong lễ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Carter năm 2002.
Ông Jimmy Carter, tên đầy đủ là James Earl Carter Jr., sinh ngày 1/10/1924 tại vùng nông thôn ở Plains, bang Georgia. Ông ghi danh vào Học viện Hải quân Mỹ và tốt nghiệp năm 1946, rồi kết hôn với người yêu ở quê nhà Rosalynn Smith.
Năm 1953, sau khi cha qua đời vì ung thư tuyến tụy, Carter xin ra quân và chuyển về Plains sống để tiếp quản trang trại gia đình. Trong hồi ký xuất bản năm 2015, Carter cho biết quyết định đó đã khiến vợ ông "kinh ngạc và tức giận".
Là một nông dân thành công, ông từng bước trở thành lãnh đạo cộng đồng và được bầu vào Thượng viện bang Georgia năm 1962, rồi đắc cử thống đốc bang năm 1970.
Tại lễ nhậm chức thống đốc Georgia ngày 12/1/2971, ông Carter tuyên bố "thời kỳ phân biệt chủng tộc đã qua". Tuyên bố đó đưa ông lên trang bìa tạp chí Time và trở thành người nổi tiếng khắp nước Mỹ. Tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào năm sau đó, ông là cái tên nhận được nhiều quan tâm.
Năm 1975, ông quyết định tranh cử tổng thống sau khi rời ghế thống đốc. Được coi là ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ, ông đã vận động tranh cử rộng khắp và tự giới thiệu mình là "người ngoài cuộc" ở Washington, điều hấp dẫn cử tri Mỹ sau bê bối Watergate.
Nụ cười tươi và chất giọng miền nam nước Mỹ nhẹ nhàng của ông Carter đã tạo hình ảnh tương phản mang đầy hy vọng so với nền chính trị ảm đạm, bê bối đang bủa vây Washington thời kỳ đó.
Đằng sau phong thái dân dã, ông Carter là một chiến lược gia sắc sảo và làm việc chăm chỉ. Cùng với hỗ trợ đắc lực từ người vợ Rosalynn, ông Carter đã có chiến dịch tranh cử thành công, chiến thắng các đối thủ nặng ký trong vòng sơ bộ đảng Dân chủ khi đó như thống đốc California Jerry Brown hay nghị sĩ Arizona Mo Udall.
Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho ông Carter bên ngoài bang Georgia vào thời điểm đó là thượng nghị sĩ bang Delaware Joe Biden, người về sau trở thành bạn thân của ông.
Ông Carter đã chiến thắng trong cuộc bầu cử trước ứng viên đảng Cộng hòa Gerald Ford năm 1976, trở thành tổng thống thứ 39 của Mỹ và lập tức tạo phong thái mới ở Washington. Ông là tổng thống đầu tiên rời khỏi đoàn xe hộ tống và đi bộ trên Đại lộ Pennsylvania dẫn tới Nhà Trắng sau khi nhậm chức. Một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống là gửi thông điệp tới các nước trên thế giới rằng "Mỹ sẽ không tìm cách thống trị hay áp đặt người khác".
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông đối mặt nhiều thách thức vì nền kinh tế trì trệ và lạm phát dai dẳng, chi phí năng lượng tăng và tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao.
Trong bài phát biểu trên truyền hình năm 1979 nhằm củng cố tinh thần đang lao dốc của đất nước, ông Carter nói Mỹ đang chịu đựng "cuộc khủng hoảng lòng tin", cụm từ mà nhiều đối thủ chính trị đã nhanh chóng tận dụng để chĩa mũi dùi chỉ trích về phía ông. Họ coi ông Carter là lãnh đạo yếu kém hay phàn nàn.
Chính quyền ông Carter còn gặp rắc rối với các vấn đề chính sách đối ngoại. Đáng chú ý nhất là sau khi ông cho phép vị vua bị phế truất của Iran đến Mỹ điều trị y tế năm 1979, một nhóm nhà hoạt động Iran đã xâm nhập đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt 66 nhà ngoại giao, quân nhân và nhân viên làm con tin.
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao, 52 con tin trong số đó đã bị giam giữ suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Carter và chỉ thả ngay sau khi ông Ronald Reagan, thành viên đảng Cộng hòa, nhậm chức tổng thống năm 1981.
Những vấn đề của ông Carter đã trở nên trầm trọng hơn khi ông đấu khẩu với các thành viên đảng Dân chủ, gồm cả thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người cuối cùng phản đối ông trong vòng sơ bộ của đảng Dân chủ năm 1980. Ông Carter giành được đề cử của đảng đầy khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn thua thảm trước Reagan. Đây được cho là một trong những thất bại tồi tệ nhất đối với một tổng thống trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông cũng ghi dấu một số thành công đối ngoại, trong đó có Hiệp định Trại David. Được ký kết giữa thủ tướng Israel Menachem Begin và tổng thống Ai Cập Anwar Begin khi đó, hiệp định đã góp phần mang lại hòa bình cho Trung Đông khi hòa giải hai quốc gia thù địch.
Ở trong nước, ông đã thúc đẩy bãi bõ quy định đối với các hãng hàng không, đường sắt cùng những ngành công nghiệp khác. Ông cũng ký đạo luật thành lập Bộ Năng lượng để quản lý các nguồn năng lượng hiện có và tài trợ cho nghiên cứu năng lượng mới cùng công nghệ khác.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông Carter trở lại Plains và bắt đầu chương mới của cuộc đời với tư cách cựu tổng thống năng nổ nhất lịch sử hiện đại Mỹ. Ông cùng vợ thành lập tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Carter năm 1982 để theo đuổi những kế hoạch hậu Nhà Trắng, dường như muốn bù đắp những hối tiếc và thất bại trong nhiệm kỳ tổng thống.
Cựu tổng thống Carter đã lãnh đạo nhóm quan sát viên để giám sát hơn 100 cuộc bầu cử trên khắp thế giới, từ Bolivia đến Zambia, trong hơn bốn thập kỷ. Ông cũng làm việc cho các phái đoàn ngoại giao của tổng thống Mỹ ở Bosnia, Haiti và nhiều nơi khác.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng vì chương trình hạt nhân năm 1994, ông đã bay tới Bình Nhưỡng và giúp đạt thỏa thuận tránh chiến tranh giữa hai nước. Ông cũng từng phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, cho rằng kế hoạch đó sẽ tàn phá Trung Đông.
Ông Carter cùng bà Rosallyn đã dồn lực cho cuộc chiến chống nhiều căn bệnh bị lãng quên như đau mắt hột, bệnh giun chỉ Onchocerciasis (bệnh mù sông), bệnh giun Guinea và nhiều bệnh khác.
Vợ chồng ông không ngại tới những thành phố hay làng mạc xa xôi để giới thiệu về các chương trình của Trung tâm Carter. Trung tâm đã giúp điều trị y tế cho hàng triệu người, cung cấp hệ thống giám sát và chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các nước nghèo.
Khi ông bắt đầu chiến dịch xóa sổ bệnh giun Guinea năm 1986, thế giới ghi nhận 3,5 triệu ca và tới năm 2023, con số này chỉ là 14. Theo Trung tâm Carter, căn bệnh này đang tiến gần ngưỡng bị xóa sổ, sau bệnh đậu mùa.
Năm 2015, ông Carter từng cho biết xóa sổ bệnh giun Guinea là một trong những điều ông hy vọng nhiều nhất. "Tôi muốn con giun Guinea cuối cùng chết trước khi tôi qua đời", ông nói.
"Mọi người không nhận ra ông ấy thực sự uyên bác. Không có chủ đề nào mà ông ấy không quan tâm. Tôi chưa từng thấy ai sử dụng thời gian hiệu quả như vậy", tiến sĩ William Foege, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dưới thời ông Carter và về sau là giám đốc Trung tâm Carter, nói.
Cựu tổng thống Carter từng chia sẻ rằng khoảng thời gian hậu nhiệm kỳ và đặc biệt là khi làm việc tại Trung tâm Carter khiến ông "thấy thỏa mãn hơn" những năm tháng ở Nhà Trắng.
Năm 2002, ông được trao giải Nobel Hòa bình cho những đóng góp trong giải quyết xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và phát triển kinh tế, xã hội.
"Ông ấy thực sự đã làm lại nhiệm kỳ của mình sau khi rời nhiệm sở", Julian E. Zelizer, giáo sư về lịch sử và quan hệ công chúng Đại học Princeton, nói và thêm rằng cựu tổng thống Mỹ đã biến Trung tâm Carter thành "Nhà Trắng thu nhỏ" để có thể theo đuổi kế hoạch về những vấn đề toàn cầu.
Mặc dù bận rộn với công việc ở trung tâm và các lịch trình, ông Carter vẫn thường xuyên làm tình nguyện viên tại nhà thờ ở Plains. Ông thậm chí không ngại đảm nhận công việc của một nhân viên cắt cỏ.
"Ở đây bạn có một cựu tổng thống làm những công việc bình thường như vậy", Foege nói.
Những năm gần đây, ông gặp một số vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh ung thư hắc tố di căn đến gan và não. Từ tháng 2/2023, sau đợt nhập viện ngắn, ông quyết định dành thời gian còn lại bên gia đình và được chăm sóc cuối đời tại nhà riêng ở Plains.
Bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của ông Carter, cựu tổng thống Bill Clinton cho biết tổng thống Mỹ thứ 39 "đã làm việc không biết mệt mỏi vì một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn".
Thùy Lâm (Theo WSJ, NPR, Guardian)