Tờ New York Times dẫn thông tin từ cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cho biết, giới quân sự Triều Tiên có thể đứng đằng sau vụ thanh trừng Jang Song-thaek, nhằm giành lại quyền kiểm soát ngành xuất khẩu than, sò và cua đầy lợi nhuận, mà phe nhóm của Jang chiếm đoạt trước đó. "Trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát các ngư trường và mỏ than, giới quân đội từng bị phe thân tín của Jang đánh bại", một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, hành động trên của phe Jang được nhận định là giọt nước làm tràn ly, khiến nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un coi người chú 67 tuổi là mối uy hiếp đến quyền lực của mình và là kẻ làm cạn kiệt nguồn thu của quốc gia. Theo đó, với sự ủng hộ của Kim, quân đội chiếm được ưu thế, đánh bại phe nhóm của Jang Song-thaek và kết quả là hai phụ tá của ông này trong bộ Hành chính thuộc đảng Lao động Triều Tiên bị xử tử hồi tháng 11. Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, hai quan chức này bị xử bắn bằng súng máy phòng không.
Và trong một diễn biến bất ngờ, việc bắt giữ Jang được Bình Nhưỡng công bố hôm 9/12. Người từng có quyền lực thứ hai đất nước bị buộc tội phản đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ lãnh đạo tối cao, tham ô và bị xử tử trong một phiên tòa quân sự đặc biệt hôm 12/12.
Những gì thực sự diễn ra trên chính trường Bình Nhưỡng thời gian qua vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng vụ thanh trừng Jang và những người thân tín hé lộ sự chấn động và rạn nứt trong tầng lớp tinh hoa của Triều Tiên.
Chỉ một vài tháng trước đây, Jang Song-thaek được cho là quan nhiếp chính của nhà lãnh đạo trẻ tuổi, thậm chí là người nắm thực quyền điều hành đất nước. Jang còn có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, bạn hàng thương mại lớn nhất của Triều Tiên và quan trọng hơn là đồng minh chính trị luôn đứng về phía Bình Nhưỡng trong nhiều vấn đề.
Trong cuộc họp kín hôm qua của Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, ông Nam Jae-joon, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, phủ nhận lý do xử tử Jang mà Bình Nhưỡng tuyên bố trước đó. Theo Bình Nhưỡng, Jang âm mưu tiến hành đảo chính lật đổ Kim Jong-un. Ông Nam lại cho rằng, nguyên nhân chính là bởi Jang và phe nhóm của mình đoạt quyền khống chế lĩnh vực xuất khẩu của Triều Tiên, đặc biệt là ngành than, gây ra sự bất mãn lớn trong giới cầm quyền.
"Mâu thuẫn giữa các cơ quan quyền lực tại Triều Tiên ngày càng tăng cao, chủ yếu xoay quanh vấn đề đặc quyền đặc lợi và sự lạm dụng quyền lực của Jang, cũng như người thân tín", ông Nam cho biết.
Một trong những nguồn thu khác của Bình Nhưỡng là ngành chế biến và xuất khẩu cua, sò. Khi cố lãnh đạo Kim Jong-il còn sống, nguồn ngoại tệ thu được từ các ngư trường và nhà máy chế biến được chuyển trực tiếp cho giới quân sự nước này, nhằm đảm bảo sự vững mạnh của quân đội. Hàn Quốc từng là thị trường lớn của ngành chế biến hải sản Triều Tiên, nhưng Seoul đã cắt đứt quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng, sau khi tàu hải quân của miền Nam bị bắn chìm hồi năm 2010. Quân đội Triều Tiên buộc phải dựa vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng sau khi Kim Jong-un lên cầm quyền hai năm về trước, ông tước bỏ một phần quyền hạn của quân đội trong ngành chế biến hải sản và xuất khẩu, chuyển giao lại cho nội các, cơ quan được chỉ định phụ trách công tác phục hồi nền kinh tế. Jang Song-thaek được cho là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho quyết định trên.
Với vai trò là quan nhiếp chính, Jang phụ trách việc phát triển và cải cách kinh tế. Ông này bị cho là đã thu vén cho mình và những người thân tín quyền kiểm soát ngành xuất khẩu. Nguồn lợi từ việc xuất khẩu cua, sò và than chảy vào túi của bộ Hành chính thuộc đảng cầm quyền.
Nhưng mâu thuẫn âm ỷ giữa phe quân đội và Jang Song-thaek cuối cùng bùng phát vào những tháng mùa thu năm nay. Theo đài RFA, trong một chuyến đi thị sát doanh trại quân đội tại các đảo gần biên giới phía tây với Hàn Quốc, Kim Jong-un được báo cáo về tình trạng suy dinh dưỡng của các binh sĩ. Ông Kim sau đó ra lệnh cho Jang bàn giao lại cho quân đội hoạt động của các ngư trường xung quanh.
Nhưng quyết định này vấp phải sự phản đối của Jang và những người thân cận. Khi 150 binh sĩ xuất hiện tại ngư trường, những người quản lý thuộc phe Jang từ chối bàn giao nếu như không có lệnh phê chuẩn của ông này. RFA cho biết, việc tranh chấp biến thành một vụ đấu súng khiến hai binh sĩ thiệt mạng.
Giám đốc tình báo Hàn Quốc Nam Jae-joon cho hay, Kim Jong-un đã rất tức giận trước sự việc trên và coi đây là hành vi thách thức quyền lực tối cao của mình. Ông Nam cũng tiết lộ, theo nguồn tin của các mật báo nước này, Jang bị bắt vào giữa tháng 10.
Ông Nam cũng phủ nhận thông tin thuộc hạ của Jang Song-thaek trốn sang Trung Quốc và Hàn Quốc để lánh nạn. Bà Kim Kyong-hui, cô ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là vợ của Jang, không chịu ảnh hưởng sau cái chết của chồng.
"Kim Jong-un dường như không gặp vấn đề gì trong việc nắm quyền, bởi việc thanh trừng Jang Song-thaek không phải là kết quả của một cuộc đấu đá quyền lực", nghị sĩ Jeong Cheong-rae và Cho Won-jin, hai phát ngôn viên của Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, kết luận.
Đức Dương (Theo New York Times)