Chủ tịch Alibaba tin rằng nếu một sự thay đổi đang đến, cách tốt nhất là chuẩn bị ngay lập tức. Nhờ triết lý từ những ngày đầu tiên chống lại sự bành trướng của eBay ngay trên sân nhà, Alibaba hiện đã trở thành một gã khổng lồ thương mại điện tử ở Trung Quốc.
"Khi chúng tôi thấy những thứ sắp đến, chúng tôi phải chuẩn bị ngay lập tức. Phương châm của tôi là bạn phải sửa mái nhà khi mà trời vẫn sáng", Jack Ma chia sẻ trên CNBC.
Khi thương mại điện tử vẫn chỉ ở thời kỳ sơ khai tại Trung Quốc, eBay là một trong những doanh nghiệp đầu tiên bước chân vào thị trường này. EBay sử dụng nền tảng EachNet để kết nối khách hàng trực tuyến và thu phí với mỗi giao dịch.
Tại thời điểm đó, Alibaba vẫn tập trung giúp đỡ các công ty quy mô nhỏ và vừa tiếp cận hoạt động kinh doanh trực tuyến.
"Jack Ma đã nhận ra eBay sớm hay muộn cũng sẽ áp sát các khách hàng của Alibaba khi doanh nghiệp này phát triển tại Trung Quốc", Porter Erisman - nguyên Phó chủ tịch Alibaba kể lại.
Để chống lại mối đe doạ tiềm ẩn từ eBay, Jack Ma đã tập hợp một nhóm nhỏ nhân viên và đưa họ tới làm việc trong một dự án bí mật - một thị trường trực tuyến có thể cạnh tranh trực tiếp với những gì eBay đang cung cấp. Đây chính là cách Jack Ma đã xây dựng Taobao - trang thương mại điện tử hiện xử lý khối lượng giao dịch khổng lồ mỗi ngày.
Theo Erisman, Taobao miễn phí trong ba năm đầu tiên và điều này đã tạo áp lực lên mô hình tính phí mỗi lần giao dịch của eBay. Để đáp trả, eBay đã đưa ra một thông cáo báo chí cho rằng miễn phí không phải là một mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người mua, bán chuyển sang Taobao, Alibaba biết rằng có thể kiếm tiền từ thương mại điện tử. Năm 2008, eBay - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Alibaba tại Trung Quốc đã phải rời bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.
Năm 2014, Alibaba tiến hành IPO thành công trên sàn chứng khoán New York và thu về số tiền khổng lồ - 25 tỷ USD.
*10 năm trước, Jack Ma nhìn nhận thế nào về eBay và Google ?
Sau gần hai thập kỷ từ khi Jack Ma thành lập Alibaba trong căn hộ của mình tại Hàng Châu (Trung Quốc), công ty này đã trở thành một ông lớn trong ngành công nghệ toàn cầu với vốn hoá hiện đạt hơn 460 tỷ USD.
Trong những bước đầu tiên của sự nghiệp, Jack Ma đã phải đối mặt với một loạt lời từ chối. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng chính là thứ giúp mình tạo nên bản lĩnh của một doanh nhân.
"Là một doanh nhân, một trong những đặc tính mà tôi phải có khi bị mọi người từ chối là quen với điều này", chủ tịch Alibaba cho biết.
Alibaba đã vượt qua nhiều thăng trầm trong quá trình chuyển đổi từ một doanh nghiệp non trẻ thành một trong những công ty giá trị nhất Trung Quốc. Thời gian đầu, Alibaba đã phải chật vật gọi vốn đầu tư.
Một nhà đầu tư vừa tiết lộ với CNBC rằng ông đã không đầu tư sớm vào Alibaba vì không tin tưởng mô hình kinh doanh ban đầu của doanh nghiệp này.
Trong khi đó, Jack Ma cho biết Alibaba đã bị khoảng 30 nhà đầu tư từ chối trước khi được CEO SoftBank Masayoshi Son - một người có tầm nhìn xa về công nghệ hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau đó, bong bóng dotcom vỡ vụn khiến Jack Ma buộc phải sa thải nhân viên trên toàn cầu.
Erisman nhớ lại: "Alibaba đã đi từ giai đoạn phát triển lạc quan đến giai đoạn phải cắt giảm nhân viên thất vọng. Đây là lần duy nhất nhất tôi thấy Jack Ma nghi ngờ chính mình khi ông ấy sa thải mọi người. Jack Ma thậm chí còn tự hỏi liệu công ty sẽ sống sót".
Theo Erisman, đó cũng là lúc Jack Ma hiểu rằng làm CEO rất khác với làm một giáo viên tiếng Anh. "Giữ vai trò CEO nghĩa là phải đưa ra các quyết định khó khăn và có lúc phải cắt giảm nhân viên để cứu công ty tồn tại", Erisman nói.
Jack Ma đã nghĩ về những điều tương lai sẽ đòi hỏi Alibaba khi các công nghệ và con đường kinh doanh được khám phá.
"Trong 30 năm tới, công nghệ sẽ là đối thủ của một lượng lớn cơ hội việc làm. Con người không hạnh phúc vì máy móc, trí tuệ nhân tạo đang cướp mất việc làm", Chủ tịch Alibaba nhận định. Để chuẩn bị cho sự thay đổi khó tránh, Alibaba vừa thông báo sẽ chi hơn 15 tỷ USD để nghiên cứu, phát triển công nghệ trong 3 năm tới khi mà các công ty về trí tuệ nhân tạo và máy học đang trở thành trung tâm.
"Những gì mà Alibaba muốn làm trong 10-20 năm tới là có thể đổi mới các hoạt động kinh doanh truyền thống", Jack Ma nhấn mạnh.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sau hai năm tổ chức, VEPF 2017 tiếp tục là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử. VEPF 2016 đã thu hút 700 khách tham dự sự kiện, trong đó có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ, giao thông, trung gian thanh toán... cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Chương trình năm nay có sự tài trợ của Samsung Pay - ứng dụng kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. Thông tin chi tiết về VEPF 2017 được cập nhật tại website chính thức của chương trình: https://vepf.vnexpress.net/ |
Anh Tú (theo CNBC)