* Trận Croatia - Pháp diễn ra lúc 22h Chủ nhật 15/7, theo giờ Hà Nội, trực tuyến trên VnExpress.
Với những đứa trẻ Croatia sinh ra trong thập niên 1980, hành trình của Davor Suker và đồng đội tại World Cup 1998 giống như một giấc mơ có thật. Một quốc gia chỉ bốn triệu dân, vài chục năm tuổi đời, vậy mà chiến đấu bằng vai phải lứa với những cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới. Và trong hàng vạn đứa trẻ mơ ước trở thành một Davor Suker, một Zvomimir Boban hay một Robert Jarni ở Pháp năm ấy, có cậu bé ở thành phố Split mang tên Ivan Perisic.
"Hai mươi năm trước, tôi dõi theo hành trình của Davor Suker từ Omis, quê hương mình, với chiếc áo ca rô của đội tuyển Croatia trên người", Perisic phát biểu sau khi nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất trận bán kết với Anh. "Lúc ấy tôi chỉ mơ một ngày nào đó được chơi cho đội tuyển, được ghi những bàn quan trọng và cùng Croatia vào chơi chung kết World Cup".
Hai mươi năm sau, ước mơ ấy của Perisic đã thành hiện thực. Bị dẫn bàn ngay từ phút thứ năm trận bán kết, nhưng Croatia đã miệt mài chiến đấu suốt một tiếng đồng hồ trước khi có được bàn quân bình tỷ số. Perisic âm thầm lao vào vòng cấm và có một pha dứt điểm lạnh lùng rất giống môn… đá cầu. Sau bàn thắng ấy, Croatia chơi như lên đồng, và thế trận hoàn toàn tuột khỏi tầm kiểm soát của Anh.
Bàn thắng ấy cũng tạm khép lại một hành trình giàu cảm xúc của Perisic, với những chật vật đầu sự nghiệp, những đêm dài tự vấn và một cú “bán mình chuộc cha” - nghe giống trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Perisic nghe lời cha, rời Croatia sang Pháp thi đấu để có tiền giúp gia đình tránh phá sản. |
Số là cách đây 12 năm, cha của Ivan là Ante Perisic có hùn vốn với bạn để mở rộng quy mô trang trại gà. Để mua các trang thiết bị hiện đại, ông Ante vay 1,8 triệu kuna (đơn vị tiền tệ Croatia) từ ngân hàng. Khi kinh doanh thua lỗ, gia đình ông bị xiết nợ, người bạn hùn vốn quay sang kiện ông tội lừa đảo.
Lúc ấy, các HLV của Ivan Perisic tại Hajduk Split đánh giá cậu bé rất cao và hy vọng sớm có thể đôn lên đội một. Mùa hè 2006, gương mặt trẻ măng và mái tóc xoăn của Ivan Perisic đã xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo địa phương. HLV trưởng của Hajduk, Zoran Vulic, đã bàn về triển vọng để cho Perisic đá cạnh ngôi sao lớn của đội bóng vào lúc ấy là Niko Kranjcar.
Nhưng vì khủng hoảng kinh tế của gia đình, Perisic đành nhận lời chuyển sang Pháp đầu quân cho đội trẻ Sochaux, đổi lấy gần nửa triệu đôla để cứu gia đình khỏi phá sản. Ngày rời quê hương, Perisic mới 17 tuổi.
Ông Ante Perisic thừa nhận trên báo chí Croatia cách đây vài năm: "Tất cả là lỗi của tôi. Ivan phải hy sinh sự nghiệp vì tôi. Tôi đã khuyên nó nên nhận lời tới Sochaux để có tiền giúp đỡ gia đình. Tôi cũng muốn cả nhà rời đi để không phải cùng tôi gánh nợ".
Trên chuyến bay sang Sochaux của Perisic năm ấy còn có mẹ và em gái. Mới 17 tuổi, anh đã học cách trở thành người đàn ông của gia đình.
Nhưng bóng đá không làm cho cuộc sống cho Perisic đỡ căng thẳng hơn. Suốt ba mùa giải ở đó, anh chỉ được khoác áo đội B, rồi bị đẩy sang Roeselare, một CLB khiêm tốn của Bỉ, theo diện cho mượn vào mùa đông 2009. Gây được chút tiếng vang, Perisic chuyển sang Bỉ khoác áo Club Brugge. Năm 2011, Perisic giành cú đúp danh hiệu: Vua phá lưới và Cầu thủ hay nhất giải vô địch Bỉ. HLV Slaven Bilic lập tức gọi anh vào đội tuyển.
Ngày đầu tiên lên tuyển, với Perisic, đã là giấc mơ thành hiện thực. Anh bảo những năm tha hương ở nước ngoài, anh luôn mơ về ngày được khoác lên mình chiếc áo ca rô tuyệt đẹp của quê hương. Anh nói năm 2011: "Tôi sẵn sàng lau bóng, dọn dẹp đồ đạc trong các buổi tập, chỉ cần được tập và chơi cùng với Luka Modric và Niko Kranjcar".
Rồi cuộc phiêu lưu dẫn anh từ Bỉ sang Đức, để đầu quân cho Borussia Dortmund. Anh ghi một vài bàn thắng ngoạn mục, nhưng sớm phải trở lại ghế dự bị sau sự trở về của Marco Reus. Khi buồn chán, người ta thường thích tâm sự. Perisic cũng thế. Chỉ có điều anh lại đi tâm sự với… báo chí. Và thế là chàng trai Croatia hứng nguyên một cơn thịnh nộ từ HLV Juergen Klopp. Ông mắng: "Chỉ bọn nhóc mẫu giáo mới rên rỉ trước công chúng. Nếu một cầu thủ không được thi đấu, cách tốt nhất là anh ta im miệng lại, lao động cật lực để thuyết phục HLV mang anh trở lại đội hình, chứ không phải than thở trên báo".
Perisic đã mang theo lời khuyên ấy suốt sự nghiệp sau đó. Chuyển sang Wolfsburg năm 2013 rồi Inter Milan hai năm sau đó, Perisic chẳng bao giờ than phiền gì nữa. Có lúc anh lầm lũi chịu đựng cảnh dự bị ở Inter vì mất phong độ, lầm lũi tới mức khiến đồng đội lo là Perisic bị trầm cảm. Mauro Icardi nói: "Nếu là Ivan, tôi đã rời đi chỗ khác. Sao phải tự đày đọa mình như vậy?".
Có lẽ Icardi không biết quá khứ cũng như hành trình tiến hóa thành một Perisic như ngày nay của đồng đội người Croatia. Và có lẽ Icardi cũng không biết gia đình luôn là hậu phương vững vàng của Perisic. Ngoài mẹ và em gái, anh còn có người vợ Josipa, quen nhau từ thuở còn học chung phổ thông. Cùng với nhau, họ có hai người con: Leonardo và Manuela, nếp tẻ đủ cả.
Những ngày còn phụ bố ở nông trại, Perisic được bạn bè đặt cho cái biệt danh là Koka (gà mái). Rất may là cái biệt danh kỳ cục ấy đã không theo anh lên Split. Nhưng nếu có theo, thì cũng… đâu có sao. Bản lĩnh đàn ông của Perisic ngời ngời trong những bước chạy, trong sự lạnh lùng khi dứt điểm và cả cái miệng khép chặt vào những thời điểm nguy nan, như lời của Klopp.
Cần gì phải nói nhiều, khi cậu bé chăn gà đang sống trong giấc mơ của thời thơ ấu! Và hôm nay, cậu bé năm nào đang đứng trước cơ hội chinh phục giấc mơ lớn nhất đời một cầu thủ chuyên nghiệp - vô địch World Cup.
Thủy Tiên