"Các nước châu Âu không tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang làm tốt hơn chúng tôi. Vì vậy, Italy sẽ quyết định có tiếp tục tham gia sáng kiến hay không. Tại quốc hội, nhiều đảng phản đối điều này", Ngoại trưởng Antonio Tajani nói tại diễn đàn kinh tế Ambrosetti ngày 2/9, trước khi lên đường công du Trung Quốc ba ngày.
Italy năm 2019 tham gia BRI dưới thời chính phủ tiền nhiệm, trở thành quốc gia G7 đầu tiên hợp tác trong khuôn khổ cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, bất chấp phản đối từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tajani, người đồng thời giữ chức Phó thủ tướng, thừa nhận "Con đường Tơ lụa không mang lại kết quả như chúng tôi mong đợi". "Thương mại song phương không được cải thiện như kỳ vọng kể từ khi chúng tôi tham gia BRI cách đây 4 năm", ông nói.
Rome nhiều khả năng sẽ không gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc khi nó dự kiến hết hạn vào tháng 3/2024, song phải tới tháng 12 mới chính thức rút khỏi hiệp định.
Ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương Corriere della Sera rằng Rome đã đưa ra quyết định "ngẫu hứng và tồi tệ" khi tham gia BRI. Ông nói thỏa thuận này không giúp ích nhiều để thúc đẩy xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc, trong khi xuất khẩu theo chiều ngược lại tăng vọt.
"Vấn đề hiện nay là làm thế nào rút khỏi BRI mà không tổn hại đến mối quan hệ với Bắc Kinh. Bởi Trung Quốc là đối thủ nhưng cũng là đối tác của chúng tôi", Crosetto nói.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng cho rằng tham gia BRI là "sai lầm lớn" của chính phủ tiền nhiệm và trong năm qua chính quyền của bà đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận.
Trung Quốc sau đó đã cử nhà ngoại giao cấp cao đến Italy để thuyết phục nước này gia hạn thỏa thuận, đồng thời tuyên bố rằng Rome đã "đúng đắn" khi tham gia BRI. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng coi các tin tức về việc Italy rời BRI là "sự cường điệu ác ý" nhằm phá vỡ hợp tác và chia rẽ hai nước.
Thanh Tâm (Theo Reuters, CNBC)