Chính phủ Italy vừa đề xuất dự án trị giá 5,7 tỷ USD để hiện đại hóa hải quân trong 10 năm tới nhằm đối phó với tình hình căng thẳng tại Địa Trung Hải khi Nga tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này, Sputnik ngày 29/11 đưa tin.
Theo đề xuất này, hải quân Italy sẽ nhận một tàu sân bay mới, có khả năng chuyên chở và vận hành các tiêm kích tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo. Bên cạnh đó, nhiều tàu hộ vệ tên lửa tối tân cũng được bổ sung cho lực lượng này.
Hồi năm 2015, Bộ Quốc phòng nước này đã ký hợp đồng với nhà máy đóng tàu Fincantieri để chế tạo một tàu đổ bộ tấn công có sàn đáp trực thăng. Con tàu dự kiến được dùng cho các chiến dịch nhân đạo, bao gồm cả cứu trợ người di cư, nên được gọi là "tàu sân bay nhân đạo". Italy cũng đang đóng nhiều tàu tuần tra để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, kế hoạch này tới nay được Tư lệnh hải quân Guiseppe De Giorgi thay đổi khá nhiều. Tàu đổ bộ chở trực thăng được nâng cấp thành tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng vận hành tiêm kích F-35B. Con tàu trị giá khoảng 1,6 tỷ USD, có tính năng vượt trội soái hạm ITS Cavour của Hải quân Italy hiện nay.
Các tàu tuần tra cũng được thay đổi, biến chúng trở thành các tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng. Mỗi chiếc sẽ dài 143 m, giãn nước 6.200 tấn, có thể được trang bị tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không hiện đại.
Kế hoạch hiện đại hóa của Italy được đánh giá là tham vọng nhất châu Âu, ngang ngửa dự án đóng hai tàu sân bay hạng nặng của Anh. Trước đó, hải quân Italy đã đề xuất mua thêm 4 tàu ngầm Type-212A, bổ sung thêm cho đội tàu 4 chiếc đang được biên chế.
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga vừa điều động một cụm tàu sân bay chiến đấu tới Địa Trung Hải để tham gia cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria, gây lo ngại cho nhiều quốc gia thành viên NATO.
Tàu sân bay Italy hoạt động tại Địa Trung Hải
Xem thêm: Singapore triển khai khí cầu phòng không tầm xa 200 km
Tử Quỳnh