Thời điểm 2012, lớp cấp ba của tôi có ba bạn học đậu vào ngành Y. Tuy nhiên, một bạn trong đó đã bỏ ngành Y, mà đi học IT. Trong đợt gặp nhau mới đây, tôi có hỏi ý kiến của hai người bạn hiện đang làm bác sĩ tại bệnh viện tỉnh về làn sóng đình công của các bác sĩ Hàn Quốc, họ không trực tiếp bình luận, mà tuôn trào rất nhiều tâm sự.
Hai người bạn làm bác sĩ so sánh: "Trong khi tụi mình đang chuẩn bị tiền để đi học chuyên khoa, thì thằng bạn làm IT lương nghìn đô đã mua nhà, mua xe rồi".
Họ tiếp tục: "Học hơn 6 năm, nghĩa là thời gian ra đời kiếm tiền chậm hơn hơn hai năm, sách giáo trình ngành Y đắt, học nhiều, nhưng thu chưa được bao nhiêu, nhìn bạn bè cùng trang lứa mà hơi chạnh lòng".
Tôi nói, nghề bác sĩ được mọi người trọng vọng, cơ hội kiếm tiền nhiều, sau này tha hồ kiếm tiền. Hai người bạn bác sĩ nói, sau này kiếm tiền nhiều hay không thì không biết, còn hiện tại phải tiếp tục đi học.
Tôi thấy, trung bình 10 năm đào tạo mới cho ra được một bác sĩ tạm gọi là cứng nghề: Ra trường đi làm vẫn bắt buộc lấy chứng chỉ hành nghề, rồi phải học tiếp chuyên khoa I, chuyên khoa II hoặc học thạc sĩ.
Bác sĩ nội trú, trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành nhưng tiện tại, họ không có học bổng, không được trả lương, vẫn phải trả học phí.
Chúng ta cứ so bì với thu nhập của các bác sĩ mua nhà lầu xe hơi, nhưng họ chỉ là số ít. Trong hàng nghìn bác sĩ ở huyện, tỉnh, trạm y tế xã, đâu phải ai cũng làm được điều đó.
Mà với thu nhập như vậy, thì theo tôi cũng là xứng đáng, vì công sức, thời gian mà các bác sĩ bỏ ra quá nhiều.
Trong cuốn sách lịch sử y học rất hay có tên "Những thay đổi xã hội trong y học Mỹ", kể về lịch sử những thay đổi của y học Mỹ trong hơn 200 năm từ thế kỷ 19 đến nay, một trong những thay đổi quan trọng nhất là sự ra đời của ôtô. Điều này trực tiếp thay đổi bán kính hành nghề của bác sĩ, do đó, các bác sĩ sở hữu ôtô sẽ mở rộng đáng kể lượng khách hàng của mình. Tức họ dễ dàng đến khám cho các bệnh nhân, trong một phạm vi xa hơn.
Ngược lại, đối với những bác sĩ không có ôtô, bán kính hành nghề của họ sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó, chúng ta có thể tưởng tượng rằng ở các quốc gia có hệ thống khác nhau, chăm sóc y tế có thể thiên về thuộc tính tiện ích công cộng. Nhưng tất cả đều tuân theo một logic tương tự: Đó là các bác sĩ cần phải hoàn thành nhiều hoạt động kinh doanh hơn để thu được lợi nhuận.
Nhưng hai người bạn tôi tâm sự: Bác sĩ có tiếng ở thành phố, ngoài làm việc ở bệnh viện, nếu mở phòng mạch tại nhà, nhất là bác sĩ Nhi, thì kiếm bộn tiền. Còn bác sĩ ở tỉnh, huyện ít có cơ hội hơn. Thêm vào đó, hiện tại các bác sĩ có tuổi, có tiếng trước được mọi người rỉ tai nhau thăm khám, còn các bác sĩ trẻ chưa có tiếng thì rất khó kiếm tiền bằng cách mở phòng riêng.
Chưa kể, còn các điều dưỡng, phải chăm sóc nhiều bệnh nhân, nhưng đồng lương thấp, không có cơ hội kiếm tiền thêm cũng là một vấn đề trăn trở.
Trong năm rồi, nhiều đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu, chủ yếu ở ngành Điều dưỡng, Y dự phòng.
Khi đi khám bệnh, chúng ta đều mong muốn được bác sĩ giỏi chữa. Nhưng nếu để các bác sĩ trẻ loay hoay với cơm áo gạo tiền, vài chục năm nữa, thì sẽ ra sao?
Hữu Duy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.