Trung tâm Internet VN (VNNIC) đang khuyến cáo về nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên trên giao thức Internet IPv4 và việc cần làm ngay là chuyển sang "hệ" IPv6. Điểm mấu chốt của vấn đề là hệ thống Internet IPv4 đang được sử dụng chỉ có 32 bit nên số địa chỉ có thể khai thác chỉ khoảng hơn 4 tỷ. Trong khi đó, IPv6 có 128 bit, lớn hơn rất nhiều nên số địa chỉ sẽ không bị giới hạn.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp trong nước lại tỏ ra thờ ơ. Nhiều người đặt vấn đề liệu tình hình trong nước có thực sự bức bách?
"Cá nhân tôi cho rằng khả năng cạn kiệt IPv4 khó xảy ra. Việc ứng dụng NAT (Network Address Translation), dùng chung địa chỉ và nhiều giải pháp công nghệ khác đã ứng dụng trên mạng và tiết kiệm rất nhiều địa chỉ IP", ông Trương Đình Anh nói.
Còn Tổng giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC Vũ Hoàng Liên đặt nghi vấn: "Nói đến nguy cơ cạn kiệt, nhưng sự cạn kiệt đó đến đâu thì chúng ta cần phải xem xét lại một cách thấu đáo. Không thể không nghĩ đến việc thế giới chưa cạn mà Việt Nam thì đã hết và đó lại là bài toán của quản lý. Hơn nữa, đây là cuộc chơi chung. Muốn làm gì chúng ta cũng phải nhìn ra thế giới. Internet là kết nối kia mà".
IPv4 sẽ cạn kiệt sớm hơn dự kiến |
'IPv6 là xu thế tất yếu' |
Lãnh đạo VNNIC viện dẫn hàng loạt bằng chứng cho thấy tài nguyên Internet cũng đang bị "ngốn ngấu" bởi những dạng thức kết nối đòi hỏi tỷ lệ 1 IP trên một người sử dụng như: ADSL, cable TV, IPTV... đang bùng nổ. Những dịch vụ di động 3G bắt đầu xuất hiện cũng "đe dọa" tiêu tốn nhanh chóng không gian còn lại của IPv4.
"Các tổ chức quốc tế đều nhận định tốc độ tiêu thụ địa chỉ IPv4 không ngừng gia tăng và đặc biệt tăng mạnh trong hai năm gần đây. Theo tính toán, Tổ chức quản lý tài nguyên số Internet toàn cầu IANA sẽ hết địa chỉ vào năm 2009. Còn vùng dự trữ của Tổ chức quản lý địa chỉ IP cấp khu vực RIR cũng sẽ cạn vào năm 2010", ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC, cho biết. "Trong khi đó, các nước đều có xu hướng xin nhiều địa chỉ để tích trữ".
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng phòng kỹ thuật của Viettel Telecom, cho rằng VNNIC hoàn toàn có lý: "IPv4 chỉ có khoảng 4,3 tỷ địa chỉ cho máy tính cùng các phần tử tham gia trên mạng. Và đúng là nguồn tài nguyên này đang tiêu hao nhanh hơn so với dự tính trước đây".
Trong một cuộc tiếp xúc với báo giới gần đây, lãnh đạo của Trung tâm Internet VN nhiều lần bày tỏ nỗi quan ngại trước sự thờ ơ của các ISP trong nước về nguy cơ mà IPv4 đang phải đối mặt. VNNIC cho rằng tại VN, có nhiều điểm chưa hợp lý trong sở hữu nguồn tài nguyên này. So với các quốc gia khác trong khu vực, VN đông dân, lượng người sử dụng Internet và tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực này khá cao nhưng lại nắm giữ lượng tài nguyên IPv4 rất nhỏ. Điều đó không phản ánh đúng thực tế nhu cầu sử dụng trong nước.
Biểu đồ về số lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam tới năm 2010. |
"Nguyên nhân của tình trạng này là thói quen sử dụng công nghệ biên dịch NAT của các ISP để hạn chế sử dụng địa chỉ, hạn chế cấp địa chỉ IP cho khách hàng. Họ đã nhận thức chưa đầy đủ và chưa có nghiên cứu kế hoạch tài nguyên địa chỉ trong một khoảng thời gian nhất định", ông Trần Minh Tân khẳng định.
VNNIC dự tính đến năm 2010, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người dùng Internet. Nếu tỷ lệ địa chỉ IP được nâng lên như mức của Trung Quốc hiện nay thì VN cần nắm trong tay khoảng 22 triệu địa chỉ Internet.
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều khẳng định việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 về bản chất không có gì khó khăn. Hầu hết thiết bị mạng đều đã sẵn sàng cho IPv6. Nhưng khách hàng mới là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. "Việc chuyển IPv4 thành IPv6 có thể hình dung tương tự như đổi số điện thoại trên mạng viễn thông. Nhiều khách hàng, đặc biệt là người sử dụng các dịch vụ liên quan đến VPN (Virtual Private Network - mạng riêng ảo) và tên miền, sẽ mất nhiều công sức, tiền bạc để xác định lại địa chỉ. Có lẽ vì thế mà việc ứng dụng IPv6 trên toàn thế giới chưa có nhiều tiến bộ", ông Đình Anh nhận định.
Thực tế là đến nay, chỉ duy nhất VDC từng xin cấp phát một lượng địa chỉ IPv6 nhất định từ năm 2004, còn các ISP khác chưa có bất kỳ động thái nào về việc này. "Chúng tôi có dự án thử nghiệm IPv6, vì thế số địa chỉ trên nền giao thức này xin cấp phát là nhằm phục vụ mục đích đó. Còn làm gì tiếp theo thì cần phải có sự ngồi lại, cùng bàn tính, lên kế hoạch cụ thể bởi đây là bài toán về ứng dụng và đầu tư công nghệ", ông Vũ Hoàng Liên cho biết. "Nếu chỉ lo tiết kiệm hay thu hồi vùng địa chỉ thì đó là giải pháp đối phó, không hiệu quả".
Lộ trình của Viettel là nghiên cứu, rà soát lại thiết bị mạng của mình một cách chắc chắn về khả năng hỗ trợ IPv6 thực hiện. Song song đó là kế hoạch thử nghiệm cùng VNNIC và dần dịch chuyển một số dịch vụ như ADSL sang IPv6. Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết: "Doanh nghiệp cần nhất là sự tư vấn, đào tạo và chỉ đạo của Bộ và cơ quan chức năng về lộ trình chuyển đổi. Tính toán làm sao để có sự 'hòa hợp' tốt nhất vì Viettel cũng chỉ là một trong các mạng cấu thành Internet mà thôi".
Tổng giám đốc FPT Telecom cũng khẳng định doanh nghiệp này cam kết sẵn sàng cho IPv6. "Tuy nhiên, khi nào và hình thức chuyển ra sao là câu chuyện của cả thế giới chứ không phải của riêng FPT hay Việt Nam", ông Trương Đình Anh nói.
Nguyễn Hằng