Trước khi cưỡng hiếp một bé gái 12 tuổi, tay súng IS còn dành thời gian giải thích rằng điều hắn sắp làm không phải một tội ác bởi cô bé này theo đuổi một tôn giáo không phải đạo Hồi nên hắn có quyền thực hiện hành vi thú tính ấy.
Hắn trói tay và bịt miệng cô bé. Sau đó, hắn quỳ bên cạnh giường, lẩm nhẩm cầu nguyện gì đó rồi leo lên người nạn nhân. Khi mọi chuyện kết thúc, hắn tiếp tục quỳ gối và cầu nguyện, gắn một cái mác sùng đạo giả tạo cho hành động hiếp dâm của mình.
"Tôi liên tục la lên vì đau và van xin hắn dừng lại", bé gái, với dáng người gầy gò, kể lại. "Hắn ta bảo theo luật Hồi giáo thì hắn được phép hãm hiếp những kẻ vô đạo. Hắn khăng khăng cho rằng mình sẽ trở nên gần gũi hơn với thánh thần nhờ vào việc hiếp dâm tôi", New York Times dẫn lời bé gái nói. Cô bé hiện ở cùng gia đình tại một trại tị nạn sau 11 tháng ròng rã bị giam cầm.
"Mỗi lần cưỡng hiếp tôi hắn đều cầu nguyện", F, cô bé 15 tuổi bị IS bắt giữ sau đó bán cho một chiến binh người Iraq, nhớ lại. Như nhiều cô gái khác được NYT phỏng vấn, cô yêu cầu giấu tên. "Hắn luôn miệng nói rằng đây là 'ibadah'", một từ trong kinh thánh của người Hồi giáo có nghĩa là thờ phụng.
"Hắn ta bảo làm vậy với tôi để gửi lời khẩn cầu tới thánh Allah", F cho biết. F nhiều lần nói với kẻ giam cầm cô rằng "những việc ông làm là hoàn toàn sai trái, chúng sẽ không giúp ông đến gần với thánh thần hơn đâu". Tuy nhiên, tên này một mực cho rằng điều đó là "hợp pháp". F hồi tháng 4 được giải cứu sau gần 9 tháng bị giam cầm.
Hoạt động hiếp dâm có hệ thống những phụ nữ người Yazidi đã ăn sâu vào bộ máy cũng như hệ tư tưởng cực đoan của IS từ khi nhóm khủng bố này tuyên bố sẽ làm sống lại chế độ nô lệ, theo NYT. Nhằm hiện thực hóa mưu đồ này, IS thiết lập một mạng lưới tinh vi, xây dựng cơ chế giám sát và điều hành nô lệ tình dục rất hoàn chỉnh, đồng thời bóp méo những lời răn dạy trong kinh Quran hay các tôn giáo khác để biến hành động xâm hại tình dục thành một nghi lễ tâm linh đúng đắn.
Những phiên chợ
Theo lời các nạn nhân, những cô gái trẻ và xinh đẹp thường được mua ngay trong tuần đầu tiên sau khi bị bắt. Những người khác, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi hoặc đã lập gia đình, thì bị chuyển qua lại giữa nhiều nơi, chịu đựng hàng tháng trời trong các đồn điền nhốt nô lệ cho đến khi có người mua họ.
Những kẻ bắt giữ có vẻ còn duy trì một hệ thống quy củ để kiểm soát nô lệ, luôn lấp đầy chỗ trống khi vừa có người bị bán đi. Các nữ nô lệ nhiều khi còn bị mua bởi những kẻ buôn người chuyên nghiệp. Chúng chụp ảnh và đánh số từng người để phục vụ cho việc tiếp thị.
Osman Hassan Ali, một doanh nhân người Yazidi đã cứu thành công nhiều nữ nô lệ, cho hay ông từng đóng giả một người mua để được xem các bức ảnh. Ông cũng chia sẻ loạt ảnh chụp các cô gái Yazidi ngồi trên ghế trong một căn phòng trống, với khuôn mặt lộ rõ sự trống rỗng, thiếu vắng nụ cười. Trên rìa mỗi bức ảnh đều ghi những dòng chữ như "Sabaya số một", "Sabaya số hai"..., viết bằng tiếng Arab. IS còn xây riêng một phòng trưng bày tại nơi giam giữ các cô gái. "Khi tống chúng tôi vào đây, chúng nói rằng chúng tôi đã bước chân đến 'chợ nô lệ'", I, một nạn nhân 19 tuổi, kể.
I ước chừng có ít nhất 500 cô gái chưa lập gia đình tại toà nhà giam giữ cô, trong đó người nhỏ nhất mới 11 tuổi. Khi người mua tới, các cô gái lần lượt bị đưa vào một căn phòng riêng biệt.
"Những kẻ vương tướng đó đứng dựa vào tường và gọi tên chúng tôi vào. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế đối diện với bọn họ. Tôi phải nhìn thẳng vào mặt chúng. Trước khi vào, tôi bị tước tất cả các loại khăn vải dùng để che chắn", I nói. "Tôi bị bắt đứng lên 4 lần và xoay người vòng quanh".
Các cô gái cũng buộc phải trả lời nhiều câu hỏi nhạy cảm, trong đó có cả ngày tháng chính xác của lần kinh nguyệt gần nhất. Bọn lính muốn xem họ có đang mang thai không vì theo luật Shariah, đàn ông không được quan hệ với nô lệ của mình khi người đó mang thai.
Tài sản của IS
Trong một văn bản xuất bản trực tuyến hồi tháng 12, Ủy ban Nghiên cứu và Án lệnh Fatwa của IS miêu tả chi tiết về chế độ nô lệ. Chúng giải thích rằng nô lệ là tài sản do các chiến binh mua, vì thế có thể được chuyển lại cho người đàn ông khác hoặc tiêu huỷ như những loại tài sản thông thường khi chủ nhân qua đời.
Theo lời những người trốn thoát thuật lại, IS quản lý họ bằng một cơ chế tương đối phức tạp, theo đó thông tin thể hiện họ là nô lệ được ghi rõ trên một bản hợp đồng. Khi chủ nhân muốn bán nô lệ thì họ phải soạn thảo một bản hợp đồng khác giống như khi chuyển giao các chứng thư tài sản bình thường.
IS gần đây thẳng thừng tuyên bố quan hệ với phụ nữ Thiên chúa giáo và Do Thái bị bắt trong các trận chiến là hợp lệ. Một bản hướng dẫn mới dài 34 trang soạn thảo bởi Uỷ ban Nghiên cứu và Án lệnh Fatwa cũng cho phép hành động này. Dường như như không có bất cứ ranh giới nào về quan hệ thể xác được định ra. Quan hệ với trẻ em cũng hoàn toàn hợp pháp đối với IS.
Theo lời một phụ nữ Yazidi 34 tuổi là nô lệ của một chiến binh IS tại thành phố Shadadi, Syria, dù trong hoàn cảnh éo le như vậy nhưng cô cảm thấy vẫn may mắn hơn nhiều một cô bé nô lệ khác cũng sống trong nhà này. Đó là một bé gái mới 12 tuổi. Em bị cưỡng hiếp trong nhiều ngày dẫn đến chảy máu nghiêm trọng và nhiễm trùng.
Nhưng bất chấp sự đau đớn của cô bé, tên chủ nhân không hề lung lay, vẫn tiếp tục hiếp dâm, đồng thời thực hiện những nghi lễ cầu khấn trước và sau khi cưỡng bức cô bé.
"Tôi nói với hắn ta 'nó chỉ là một đứa bé'', người phụ nữ nhớ lại. "Và hắn ta trả lời dứt khoát rằng 'không, cô ta không còn bé nữa. Cô ta là nô lệ và cô ta biết chính xác phải quan hệ như thế nào. Quan hệ với cô ta sẽ làm hài lòng chúa trời'".
Gia Quang (theo New York Times)