Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối tuần trước giành quyền kiểm soát thành phố Ramadi sau cuộc tấn công quy mô, khiến ít nhất 500 dân thường và binh sĩ chính phủ thiệt mạng. Ramadi là thủ phủ tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad của Iraq hơn 100 km về phía tây bắc.
Thất bại nặng nề này khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama phải hứng chịu nhiều áp lực bởi quân đội Iraq giữ nhiệm vụ bảo vệ Ramadi là lực lượng được Washington huấn luyện và hỗ trợ về vũ khí.
"Ảo tưởng"
Giới chức Mỹ ban đầu coi nhẹ tầm quan trọng của Ramadi. Tướng Martin Dempsey, Tham mưu trưởng Liên quân, gọi đây là một bước lùi tạm thời. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, quân đội Iraq sẽ phục hồi và phản công lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia bác bỏ tuyên bố trên, cho rằng chúng không thực tế.
"Phải dùng từ 'ảo tưởng' mới có thể lột tả chính xác" những lời biện minh của chính phủ về thất bại ở Ramadi, Ali Khedery, từng là cố vấn cho 5 đại sứ Mỹ tại Iraq cùng ba lãnh đạo Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, bình luận.
Theo một số chuyên gia nắm rõ tình hình ở Iraq, khi chiếm được Ramadi, IS sẽ nắm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở trung tâm tỉnh Anbar, chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq. Từ đây, các tay súng của nhóm sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận vùng ngoại ô phía tây Baghdad.
"Những vùng lân cận như Baghdad hay Karbala có nguy cơ nằm trong tầm ngắm của quân khủng bố IS", Zaineb al-Assam, chuyên viên từ công ty phân tích rủi ro IHS Country Risk, nhận xét.
Bên cạnh đó, việc để mất Ramadi vào tay IS còn phơi bày điểm yếu cố hữu của quân đội Iraq khi lực lượng này từ lâu đã bị mục ruỗng từ bên trong bởi vấn nạn tham nhũng, chế độ gia đình trị hay năng lực lãnh đạo yếu kém của chính phủ. Kết quả là Baghdad và Washington phải tập trung vào nhiệm vụ tái thiết, gây dựng lại sức mạnh cho quân đội Iraq đến khi lực lượng này đủ sức giành lại Ramadi và xóa sổ IS khỏi đất Anbar. Một chiến dịch quy mô nhằm chiếm lại Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, vì thế cũng bị trì hoãn vô thời hạn.
"Giành lại Mosul hiện tại nằm ngoài khả năng" của chính quyền, Kirk H. Sowell, biên tập viên tạp chí Inside Iraq Politics, chuyên khai thác đề tài chính trị, chiến sự ở Iraq, nhận định. "Một tương lai với viễn cảnh Mosul hoàn toàn tự do chưa thể trở thành hiện thực".
Sau khi thất thủ ở Ramadi, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cử lực lượng dân quân tự vệ người Shiite tới chiến đấu với IS. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ngay cả khi Mỹ tăng cường không kích, đồng thời các đơn vị dân quân tự vệ người Shiite được điều động thêm tới Anbar thì cơ hội để lực lượng an ninh Iraq giành lại Ramadi cũng như các thị trấn, thành phố chiến lược khác của tỉnh vẫn rất hạn chế.
Michael Pregent, nhà phân tích về Trung Đông, cựu quan chức tình báo Mỹ từng công tác ở Iraq, cho rằng năng lực của lực lượng dân quân người Shiite đang bị thổi phồng quá mức. Theo ông, mục tiêu chính ở thời điểm hiện tại của nhóm này không phải là chiếm lại Ramadi mà là bảo vệ Baghdad và những thánh địa tôn giáo của họ.
"Mối quan tâm của họ không phải Ramadi mà chính là Najaf, Karbala và Samarra", ông Pregent nói.
Hơn nữa, việc huy động dân quân người Shiite thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm Ramadi còn tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi xung đột tôn giáo.
Ông Khedery cho rằng đã đến lúc chính quyền Obama phải có những chiến lược mới. Tổng thống nên thay thế những nhà lập pháp hàng đầu về Iraq hiện nay bằng "một bộ máy ít gắn kết hơn với những chính sách đang đổ vỡ". Các nhà lập pháp cũ đã dồn quá nhiều tâm sức cho những sách lược của họ vì thế không đủ can đảm để thừa nhận rằng chúng chưa bao giờ phát huy tác dụng, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng giấu tên cảnh báo, với việc IS chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày thành lập nhà nước Hồi giáo vào tháng tới, "IS chắc chắn sẽ tìm cách mở những cuộc tấn công lớn hoặc thực thi các chiến dịch tuyên truyền quy mô để chứng minh khả năng của tổ chức cũng như thu hút thêm một lượng lớn thành viên".
Kế hoạch B
Cách tiếp cận của Washington trong cuộc chiến với IS hiện nay là kết hợp giữa tái huấn luyện, xây dựng lại quân đội Iraq, thúc giục Baghdad hòa giải với tộc người Sunni và dội bom các mục tiêu IS mà không cần dùng đến bộ binh.
Nhưng theo AP, thất bại ở Ramadi đã hé lộ một điểm bất cập trong chiến lược của Washington. Dù mang lại hiệu quả nhưng quá trình tái cơ cấu quân đội Iraq và các chiến dịch không kích không thể mang đến chiến thắng có tính chất quyết định cục diện cuộc chiến.
Một phương pháp thay thế mà chính quyền Obama có thể tính đến là sử dụng chiến lược ngăn chặn: tìm mọi cách để cô lập những vùng xảy ra xung đột với IS thay vì đánh bật chúng hoàn toàn khỏi Iraq. Phối hợp giữa không kích và điều động lực lượng đặc nhiệm, càn quét bất ngờ các cứ điểm của IS, là một lựa chọn nên cân nhắc.
Cuộc tấn công bí mật của Mỹ do Lực lượng Đặc nhiệm Delta triển khai hôm 15/5 ở Syria đã chứng minh tính hiệu quả khi cùng lúc tiêu diệt ba lãnh đạo cấp cao của IS, trong đó có thủ lĩnh phụ trách tài chính Abu Sayyaf.
Nhưng theo một số quan chức ở Washington, phương pháp ngăn chặn dù khả quan nhưng chưa được đưa ra thảo luận vào lúc này. Tướng Dempsey khẳng định thất bại ở Ramadi không thể khiến Mỹ thay đổi cách tiếp cận cuộc chiến.
"Bị đẩy lùi là điều đáng tiếc nhưng không phải là thứ gì quá bất thường trong chiến tranh", ông Dempsey nói. "Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để giành lại quyền kiểm soát thành phố".
Một quan chức Lầu Năm Góc cũng đồng tình với quan điểm trên đồng thời chỉ ra rằng thất bại ở Ramadi không hề phơi bày điểm yếu chết người của lực lượng an ninh Iraq cũng như chiến lược của Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Obama dường như vẫn kiên định với lập trường không gửi bộ binh tới Iraq để giải cứu Ramadi hay bất kỳ cứ điểm nào khác. Phát ngôn viên Nhà Trắng Erich Shultz nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục trợ giúp Iraq bằng các đợt không kích, hoạt động huấn luyện và cố vấn về quân sự. Washington liên tục lặp lại luận điểm Iraq chỉ có khả năng tạo lập sự ổn định trong dài hạn khi chính người dân nước này đứng lên chiến đấu chống IS.
Giới phân tích thì tỏ ra hoài nghi. Stephen Biddle, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, suy đoán ông Obama đang cố gắng để giảm sức ảnh hưởng của IS đối với tộc người Sunni trong khu vực đồng thời gây sức ép để chính quyền Iraq phát triển một lực lượng quân sự không bè phái.
"Chắc chắn kế hoạch này không hiệu quả hoặc ít nhất không đạt được tiến bộ như chúng ta kỳ vọng", ông Biddle đánh giá.
Vũ Hoàng