Chị Đặng Hoàng Thanh Lan là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Cork, Ireland. Nghiên cứu về giáo dục ở cả hai nước, chị Lan chia sẻ về trường chuyên hiện nay.
Mấy năm vừa rồi, tôi làm nghiên cứu so sánh hệ thống giáo dục, đi phỏng vấn sâu nhiều giáo viên và học sinh, bởi vậy có thể cảm nhận được rất rõ khác biệt trong quan điểm giáo dục của Việt Nam và Bắc Âu. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là trường chuyên lớp chọn chúng ta đang thừa hay thiếu? Câu trả lời là vừa thừa lại vừa thiếu.
Vì sao lại thiếu? Có một câu chuyện thế này: Một nam sinh vì mải chơi nên vào thời điểm thi tuyển lớp chọn đã bị rớt xuống một lớp rất xa. Một cô giáo dạy cậu biết vậy, đã bảo: "Cô biết em có khả năng tốt hơn thế này. Xuống lớp xa như vậy thì không đáng. Thôi hay là nếu em không chê thì em vào lớp cô chủ nhiệm? Lớp cô không phải lớp chọn, nhưng học hành rất tốt".
Cậu đồng ý để chuyển vào lớp cô. Sau đó cậu học và thi đỗ đại học. Những năm tháng về sau, năm nào cậu cũng cố gắng về thăm cô vì "không nhờ có cô thì giờ này không biết em đang lêu lổng ở đâu. Vì vào cái lớp kia em không thể nào quay lại đà học được như vậy. Em biết ơn cô lắm".
Cậu bạn này không phải là trường hợp cá biệt duy nhất. Có biết bao trường hợp ngoài kia bố mẹ, thầy cô và cả học sinh đang loay hoay không biết sẽ vào môi trường tạo được lực đẩy hay bị đẩy đi ra khỏi sự quan tâm của xã hội và trở thành một nhóm "ngoài lề" lúc nào không biết? Như vậy, rất thiếu trường chuyên lớp chọn, thiếu nhiều, rất nhiều là đằng khác, bởi làm sao bạn biết ai là người xứng đáng được nhận một sự "giáo dục tốt" hay không? Có phải tất cả mọi người đều xứng đáng nhận được nó, còn nỗ lực sẽ giúp những hạt giống tự bật lên?
Quay trở lại câu hỏi chính đặt ra ngay từ đầu: Hệ thống giáo dục Bắc Âu làm thế nào để vừa có chuyên lại vừa bỏ chuyên (duy trì bình đẳng giữa các học sinh)? Thứ nhất, họ không thi đầu vào phổ thông. Các trường phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục tuyệt đối tránh chọn lọc học sinh vào trường thông qua năng lực. Học sinh ở khu vực nào thường sẽ học luôn ở các trường gần nhà.
Thứ hai, sau khi học xong cấp phổ thông cơ sở và đã được trải nghiệm hết môn học trong trường, để xem môn học nào thu hút mình, học sinh sẽ đăng ký một tờ phiếu chọn môn mình thích để học ở cấp phổ thông trung học. Những môn này các em thích, chọn và sẽ đi thi lấy điểm vào đại học.
Tại Ireland, học sinh thường chọn 7 môn để thi đại học (có thể chọn 6, 8, 9 môn cũng được), sau đó điểm tuyển sinh được lấy bằng 6 môn đạt điểm cao nhất trong 7 môn thi. Nghe thì nặng số môn đó, nhưng kiến thức thì hoàn toàn được trả lại ở mức phổ thông và có tính áp dụng cao, tập làm thí nghiệm, dự án nhiều. Vì vậy so ra với thi 3 môn của Việt Nam, các bạn ấy không hề bị nặng hơn.
Thứ ba, chia chương trình học của từng môn thành ba trình độ: Cấp cao hơn (Higher Level); cấp trung (Ordinary Level); cấp cơ bản (Foundation Level). Không nhất thiết tất cả môn học đều chia cấp. Những môn đông học sinh phải thi thì mới phân chia. Vì giáo trình khác nhau nên cấu trúc đề thi cũng khác nhau. Điểm tối đa đạt được của cấp cao hơn sẽ cao hơn so với điểm bạn chọn học và thi ở cấp trung. Như vậy, với những ai muốn thi làm bác sĩ thì thường sẽ chọn học cấp cao hơn ở tất cả môn học để có khả năng đạt điểm tối đa.
Giáo viên Ireland đều thích dạy lớp cả ở trình độ cao và trình độ thấp. Đối với họ, "sẽ buồn chán lắm nếu chỉ dạy ở mỗi một cấp cao thôi, chẳng thú vị gì cả". Và tất cả học sinh đều có những giáo viên như nhau vì họ xoay vòng, lúc dạy cấp cao, lúc dạy cấp thấp. Ai cũng có những giáo viên thú vị và cũng có những giáo viên buồn ngủ.
Có lẽ chính bởi thế mà khi được hỏi "giáo viên chiếm bao nhiêu phần trăm quan trọng trong thành quả học tập của bạn?", học sinh phương Tây đều cảm thấy "do mình cả thôi", rất khác với Việt Nam. Ở Ireland, vì mọi người đều nhận được sự quan tâm từ giáo viên nên kết quả học tập được cho rằng chính yếu, đến từ phía học sinh là điều dễ hiểu.
Tưởng tượng thế này, Việt Nam nếu áp dụng tương tự, với riêng mình, để thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, theo khả năng và sở thích trước nay, mình sẽ chọn 6 môn thi như sau: Văn học, Sinh học, Tiếng Anh, tiếng Nhật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử. Bạn thân của mình quyết định chọn: Toán, Kinh doanh và Kế toán, Toán ứng dụng, Hóa học, Khoa học Dữ liệu, Mỹ thuật, Kinh tế gia đình (kiểu như học về thực phẩm, may đồ...).
Cách học và thi như trên có nhiều ưu điểm (có thể nói là đi trước Việt Nam một bước) như sau:
Thứ nhất, học sinh vui vẻ lựa chọn môn học và chương trình, cấp độ. Mỗi người đều có một năng lực riêng, ai cũng có quyền vào các lớp "chuyên, chọn" của môn học mình yêu thích để thử thách bản thân nhiều hơn. Và ai cũng có quyền vào lớp cấp thấp mà không cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng (bởi vì ai cũng đều có những môn học ở cấp thấp).
Thứ hai, rèn luyện thái độ chuyên nghiệp, không có học hành đối phó, không có tình trạng ngồi giờ này, giở bài ra học cái khác, bởi những môn các bạn ấy chọn học đều là môn xác định sẽ thi. Giáo viên dạy thật, học sinh học thật. Điều này một là không khiến chúng ta mất thời gian "ngồi nhầm lớp" để học những thứ ta chả thích, chả có ý định áp dụng bao giờ. Hai là tạo ra cái nếp tôn trọng người khác, học và làm việc chuyên nghiệp.
Khi quay trở về Việt Nam, mình đã sốc trong một tiết đi dạy thay đồng nghiệp. Mình đề ra các vấn đề và nói "Các bạn hãy quay sang thảo luận với người ngồi cạnh mình trong 2 phút". Ở Ireland, hoạt động này vô cùng phổ biến. Lớp nào cũng làm và ai cũng sôi nổi, tận dụng từng giây từng phút để thảo luận. Nhưng sinh viên Việt Nam đón nhận bằng cách lấy điện thoại, lấy laptop ra làm cái khác.
Kể cả trong cuộc sống hàng ngày, không bao giờ ở Ireland mọi người nói chuyện với nhau mà lôi điện thoại ra dùng. Ai cũng tập trung vào câu chuyện và đào sâu vào nó. Bạn mình khi đi làm bồi bàn, đồng nghiệp Tây chỉ vào một cái bàn hơn chục bạn thanh niên ngồi ăn, kiểu "Ôi mày ơi, bàn kia đứa nào cũng giở điện thoại ra dùng". Xong, hai đứa khúc khích cười với nhau vì cái sự lạ lùng, đi chơi mà chả ai quan tâm tới nhau, chỉ dùng điện thoại. Cho đến khi có đứa trong bàn đó bỗng nói tiếng Việt. Và cô bạn mình không biết có nên cười tiếp hay không.
Thứ ba, giáo viên yêu nghề. Có những ý kiến cho rằng nhạc, họa, thể dục chỉ là vớ vẩn, vai trò nhỏ nhoi, không nên được đặt vào hàng ngũ các môn được xét làm điểm thi đại học. Vậy bạn hãy thử nhìn quanh, lắng tai nghe trong một ngày có bao nhiêu hình khối, mình họa, trình bày, thiết kế trong bất kỳ đồ vật nào bạn nhìn thấy, trong cả báo cáo mà bạn bây giờ phải làm theo dạng poster nhằm thu hút người đọc? Có bao nhiêu hiệu ứng âm thanh trong chương trình phát từ radio, tivi, quảng cáo? Có bao nhiêu phút giây mà sự sáng tạo trong âm hưởng và hình họa khiến bạn cười và tâm trạng tốt hơn?
Có những ngành học đặc biệt, có thể công bố việc không nhận điểm thi một số môn thì ngay từ ban đầu các trường này đã công bố (chẳng hạn, trường Y có thể không nhận điểm môn âm nhạc) và học sinh đều biết cần những môn nào để vào trường. Nhưng những ngành nghề khác trong thời hiện đại (ví dụ kinh doanh, marketing, nghiên cứu, giảng dạy, quản lý dự án, nhạc họa...) đều có thể dùng tới. Ai cũng nên có hoạt động thể dục yêu thích nào đó vì sức khỏe là quan trọng.
Lại có ý kiến cho rằng mấy môn đó không xứng với tầm thi cử "học thuật". Khi đi quan sát tại các trường học phổ thông, mình vào một lớp học nhạc để thi tốt nghiệp (cũng là lấy điểm đại học). Mặc dù từ bé được ba má cho tiền đi học đàn, có biết một chút ít, thế nhưng khi ngồi nghe tiết lý thuyết thanh nhạc của các bạn học sinh mà mình ù ù cạc cạc. Các bạn ấy phải nghe nhiều đoạn nhạc, phải trả lời được chính xác bè, xướng trong từng đoạn nhạc được gọi tên là gì. Môn mỹ thuật thì giáo viên của trường cũng có thể đào tạo vô cùng chuyên nghiệp.
Ấy nhưng không phải mình chê giáo viên nhạc, họa của Việt Nam đâu nhé. Khi quan sát và nói chuyện, mình nhận ra là ai trong số họ cũng chứa đựng niềm yêu nghề. Nếu như có người đến dự giờ thì cách họ dạy cũng bài bản vô cùng. Và mình thấy học sinh cũng tròn mắt say sưa nhìn lên thao tác của thầy vẽ trên bảng. Chỉ là ngày thường, thầy cô biết tụi học trò không quan tâm tới môn học của mình, muốn chơi và cũng không có động lực gì để học. Và thầy cô lại thôi, đành chấp nhận thân phận "dạy môn phụ của phụ".
Phải chăng đã đến lúc chúng ta nghiêm túc hơn với câu hỏi: "Châu Âu quan tâm tới mỹ thuật, âm nhạc, vì sao Việt Nam không?".
Thứ tư, học sinh có thể bắt đầu học ngành nghề yêu thích kể từ cấp phổ thông, thậm chí các trường còn có thể "cạnh tranh" nhau ở khía cạnh này, khi cung cấp cho học sinh những môn học đặc biệt. Chẳng hạn, một số học sinh thậm chí có thể chuyển trường để học môn âm nhạc phục vụ thi tốt nghiệp.
Các môn học mình cho rằng có thể được cân nhắc cho học sinh như: Triết học, Xã hội học, Tâm lý học (bạn bè mình ở nhiều nước rất thích các môn học này ở trường phổ thông của họ), Toán ứng dụng, Lý ứng dụng, Hóa ứng dụng, Âm nhạc, Nghệ thuật, Kinh doanh và kế toán, Kinh tế gia đình, Khoa học dữ liệu, Xây dựng và công nghiệp...
Đến đây, các bạn chắc đã mường tượng được phần nào cách giáo dục Bắc Âu vừa không có hệ thống trường chuyên, lớp chọn để đảm bảo tính công bằng xã hội cho mọi học sinh, mà từng cá nhân vẫn được quan tâm, phát huy năng lực. Rất khác với cách thức của các nền giáo dục tinh hoa phải không?
Có một giáo viên đã nói với mình một cách tự hào rằng: "Giáo dục bậc đại học thì chúng tôi không bằng Anh, nhưng giáo dục phổ thông thi đang đi trước, tiến bộ hơn". Mình cũng tin với hướng đi này, giáo dục phổ thông Ireland đang tiến tới ngày càng cung cấp điều kiện tốt hơn cho học sinh.
Mong chờ Việt Nam một ngày cũng vậy.
Đặng Hoàng Thanh Lan