Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn làm việc tại Khoa Sinh hóa & Sinh học phân tử, Đại học bang Oklahoma, chia sẻ góc nhìn về trường chuyên ở Mỹ.
Mục đích của chương trình chuyên ở Mỹ
Khi con tôi được cô giáo lớp 1 đề nghị cho thi vào chương trình Gifted Program, tức chương trình chuyên của Mỹ, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu xem mục tiêu của các chương trình chuyên ở Mỹ là gì. Tôi đã trải qua 12 năm phổ thông ở Việt Nam học trường chuyên, lớp chọn, muốn xem ở Mỹ có giống Việt Nam không.
Khi trao đổi với cô giáo và tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy mục đích của các chương trình bồi dưỡng năng khiếu này rất khác so với Việt Nam. Thực tế có thể còn nhiều điểm khác, nhưng ở đây tôi kể ra ba điểm nổi bật theo quan sát của cá nhân và tại thành phố tôi sống:
Một là điểm khác biệt dễ thấy nhất là các lớp chuyên ở Mỹ đa phần không phải để luyện gà chọi đi thi đấu các giải quốc gia, quốc tế hay để lập thành tích và thứ hạng cho trường. Vì việc đi thi đấu ở phần lớn trường bên Mỹ là do học sinh tự nguyện đăng ký, sau đó thầy cô sẽ đưa tài liệu cho các em tự học thêm và hỗ trợ nếu có câu hỏi.
Nếu sau đó đoạt giải thì thông thường thầy cô sẽ gọi riêng ra thông báo kết quả chứ không tuyên dương công trạng trước lớp nên nhiều khi các bạn học cùng lớp cũng chẳng biết. Cuối học kỳ trường có thể tổ chức lễ trao giải mời phụ huynh đến tham dự nên con ai giỏi người ấy biết, còn phụ huynh khác cũng không biết để mà so sánh con mình với con nhà người ta.
Mà thật ra các bố mẹ ở Mỹ tôi nói chuyện thì thấy họ không có thói quen đó. Họ không mấy khi chê con mình hay khen con với người khác, nếu ai hỏi thì thường sẽ nói các điểm mạnh hay năng khiếu của con là gì và thường làm gì để hỗ trợ con phát huy nó, chứ ít khi khoe thành tích học tập của con.
Hai là việc chọn lọc học sinh cho chương trình chuyên chủ yếu nhắm vào lợi ích của chính học sinh và hỗ trợ các em phát huy năng khiếu hay thế mạnh của mình trong môi trường học với các bạn trình độ tiếp thu tương đồng. Do vậy các em có thể học nhanh hơn, sâu hơn và khó hơn thay vì học cùng nội dung đó với các bạn khác học chậm hơn và dễ hơn.
Điều này sẽ giúp học sinh có năng khiếu và khả năng học hiểu nhanh không bị nhàm chán. Vì thử tưởng tượng nếu bạn phải học đi học lại một bài học suốt mấy ngày trên lớp mà bạn đã hiểu hết rồi thì có còn hứng thú không? Vì vậy các em lớp năng khiếu sẽ được thử thách phù hợp với khả năng để kích thích sự tò mò, khám phá, không bị nhàm chán vì luôn có cái mới để chinh phục.
Ba là cách tổ chức Gifted Program ở đa số trường công bên Mỹ là các em sẽ có khoảng 30 phút/ngày để học theo nhóm riêng của chương trình chuyên với giáo viên dạy nâng cao cho môn năng khiếu của mình để phát triển sâu hơn các kỹ năng phản biện, tranh luận, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Sau đó các em sẽ được trả về lớp để học các môn khác với bạn cùng lớp.
Do vậy dù được chọn vào chương trình tài năng của trường, các em vẫn được đào tạo một cách toàn diện không học lệch và cũng học nhẹ nhàng chứ không áp lực. Các em có thể nhiều bài tập hơn, nhưng không có xếp hạng trong lớp và một năm chỉ khoảng 3 lần thi để thống kê điểm trung bình, quá trình phát triển của từng em để gửi về cho phụ huynh, đồng thời thống kê luôn điểm cho các môn chính của từng cấp, lớp hàng năm về cho trường từ lớp 3 trở đi.
Nhận diện học sinh có năng khiếu vào chương trình chuyên ở Mỹ
Tiêu chí tuyển chọn học sinh vào chương trình chuyên cấp phổ thông của Mỹ không chỉ dựa vào điểm số mà còn được theo dõi qua giáo viên đứng lớp trong suốt năm học. Họ đề xuất học sinh năng khiếu trong khoảng 1-3% tổng số học sinh của lớp và trường. Có 4 tiêu chí chọn lựa:
- Khả năng trí tuệ như học nhanh và dễ dàng, nhớ lâu và hay hỏi, phát triển ngôn ngữ vượt trội.
- Thành tích, tức điểm thi cao hơn nhiều so với trung bình của độ tuổi, thích hoạt động có nội dung thử thách.
- Sự sáng tạo thể hiện qua trí tưởng tượng vô cùng phong phú, thích thử nghiệm mới và có ý tưởng độc đáo, khác biệt, hay đề xuất giải pháp sáng tạo không theo khuôn mẫu.
- Tính cách cá nhân thể hiện qua sự tự giác, kiên định theo đuổi mục tiêu, có khả năng tập trung cao trong thời gian dài, độc lập trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, hay quan tâm đến những vấn đề của người trưởng thành.
Học sinh cần thỏa mãn ít nhất 2-3 tiêu chí trên sẽ được giáo viên đứng lớp đề cử lên trường, cũng có khi do bố mẹ đề nghị để con mình tham gia làm bài kiểm tra chọn học sinh vào chương trình chuyên của trường. Như ở trường con tôi là bài thi CogAT (Cognitive Abilities Test) và có hội đồng xét duyệt riêng cho các tiêu chí này để chọn ra các em năng khiếu.
Ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn đông dân ở Mỹ thì có hẳn các trường chuyên chứ không chỉ lớp chuyên, và cũng học miễn phí nếu là trường công. Nhưng các trường này không phân theo tuyến mà tuyển chọn học sinh có khả năng học tốt và tiếp thu nhanh từ rất sớm, tầm 4-5 tuổi để kiểm tra khả năng trí tuệ qua các bài kiểm tra phù hợp với độ tuổi của các em.
Hay các trường chuyên về khoa học, nghệ thuật cho khối cấp 3 thi vào như Magnet School, và đặc biệt các trường ở Mỹ không khuyến khích phụ huynh cho con luyện thi trước để kết quả phản ánh trung thực năng lực của bé.
Kết quả và ảnh hưởng lâu dài của chương trình chuyên ở Mỹ
Việc ra đời các chương trình đào tạo năng khiếu của Mỹ bắt đầu nở rộ từ thập niên 50 sau thế chiến thứ hai khi Chính phủ Mỹ tài trợ cho giáo dục tài năng nhằm bồi dưỡng năng khiếu về khoa học kỹ thuật, với sự thành lập tổ chức Hiệp hội quốc gia cho trẻ tài năng NAGC (National Association for Gifted Children) vào năm 1954, trụ sở tại Washington DC, để cho ra các tiêu chí của chương trình đào tạo tài năng. Theo thống kê của NAGC, các chương trình chuyên để nhận diện trẻ em có năng khiếu có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển sáng tạo và phát triển nghề nghiệp tương lai của các em tài năng này.
Như trong một nghiên cứu nghiên cứu kéo dài hơn 25 năm (Park et al., 2007) cho nhóm 2409 trẻ em học lớp tài năng (top 1%) được nhận diện qua bài thi SAT trước tuổi 13 thì nhóm này đặc biệt có nhiều phát minh khoa học và bằng sáng chế khi đến tuổi trung niên (middle age). Thống kê nhóm này có 817 bằng sáng chế và 93 sách xuất bản, một người được giải Fields Medal và một người được John Bates Clark Medal trong lĩnh vực kinh tế ở độ tuổi dưới 40.
Một nghiên cứu khác (Lubinski et al., 2001) cho nhóm 320 học sinh tham gia Gifted Program thì ở độ tuổi trưởng thành, số người theo đuổi chương trình tiến sĩ cao gấp hơn 50 lần so với mặt bằng chung và 203 người tương ứng 63% có bằng thạc sĩ trở lên ở độ tuổi 38, 142 người tương ứng 44% có bằng tiến sĩ, so với mức trung bình khoảng 2% dân số Mỹ có bằng tiến sĩ theo thống kê năm 2010 (Kell et al., 2013).
Một nghiên cứu khác cho 345 học sinh năng khiếu tham dự chương trình phát triển tài năng thông qua các cuộc thi cạnh tranh thì 52% trong tổng số sau này có bằng tiến sĩ khi trưởng thành (Campbell et al., 2011).
Các nghiên cứu trên còn cho thấy lợi ích lâu dài khác là ngoài việc đạt học vị cao, học sinh tham gia chương trình năng khiếu ở Mỹ duy trì được thế mạnh và niềm đam mê cho đến bậc đại học và cao học, đồng thời cũng duy trì phong cách làm việc hiệu quả, sáng tạo trong thời gian dài. Vì vậy việc được học chương trình chuyên ở Mỹ được chọn lọc kỹ dựa trên 4 tiêu chí kể trên bao gồm cả tố chất về học thuật và sáng tạo của học sinh chứ không chí điểm số thi cử. Lợi ích tập trung vào sự phát triển lâu dài và toàn diện của chính người học.
TS Ellie Phương D. Nguyễn