Ireland đã đứng bên bờ vực phá sản năm 2010 khi thị trường bất động sản sụp đổ, buộc Chính phủ phải ra tay giải cứu các ngân hàng, khiến thâm hụt ngân sách tăng vọt và chi phí đi vay dâng cao. Để cứu vãn tình thế, nước này đã phải nhận khoản vay khẩn cấp gồm 45 tỷ euro từ EU, 22,5 tỷ euro từ IMF và 17,5 tỷ euro từ các quỹ dự trữ và lương hưu của chính người dân.
Đổi lại, Chính phủ Ireland phải đưa ra kế hoạch thắt lưng buộc bụng trong 4 năm. Trong đó có giảm mạnh chi tiêu công và số lượng công chức, đồng thời tăng thuế và hạ lương tối thiểu, CNN cho biết.
Đến cuối năm 2014, nước này đã tiết kiệm được 14,6 tỷ euro, tương đương 10% GDP hàng năm. Ireland cũng vừa tuyên bố sẽ ra khỏi chương trình cứu trợ của châu Âu vào ngày 15/12 tới.
Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tự đối mặt với sự biến động của thị trường. Ireland cũng sẽ không được tham gia chương trình mua lại trái phiếu chưa kiểm định của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), khi triển vọng kinh tế châu Âu vẫn còn ảm đạm.
Kinh tế Ireland đã tăng trưởng trở lại thời gian gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm đi và thâm hụt ngân sách dự đoán xuống dưới 3% GDP năm 2015. Tuy nhiên, khối nợ của nước này vẫn thuộc top cao nhất châu Âu, với khoảng 125% GDP.
Ireland cho biết họ đã có thể tự lập do chi phí đi vay giảm đáng kể. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đã giảm từ 9% năm 2010 xuống 3,5% hiện tại. Họ cũng có lượng tiền mặt dự trữ lên tới 20 tỷ euro, đủ chi tiêu cho đến đầu năm 2015, IMF cho biết.
Sự kiện này là tin tốt hiếm hoi cho các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu, khi nền kinh tế tại đây chưa có nhiều tiến triển. Lãi suất trái phiếu của Bồ Đào Nha hiện vẫn gần 6%, Hy Lạp đang vật lộn với gói cứu trợ thứ hai. Còn kinh tế Síp thì đang ngày càng co lại.
Cao ủy EU về các vấn đề Kinh tế và Tài chính - Olli Rehn cho biết: "Ireland ra khỏi chương trình này sẽ là tín hiệu rõ ràng tới thị trường và các chủ nợ quốc tế, rằng các nỗ lực điều chỉnh được nước này tiến hành, với sự hỗ trợ của EU và các quốc gia khác, đã có tác dụng".
Hà Thu