![]() |
Ông Ali Larijani (trong ảnh) đã từ chức, phát ngôn viên chính phủ Iran thông báo hôm 20/10. Ảnh: AP. |
Việc con người thực dụng này bất ngờ từ chức diễn ra đúng vào lúc phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ, đang tìm cách tăng cường sức ép đối với Tehran, bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Một chuyên gia phân tích của Iran giấu tên cho rằng: “Việc ông Larijani từ chức chứng tỏ Iran sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối cứng rắn đầy thách thức, và khả năng thay đổi quan điểm của Tehran trở nên ít có cơ hội hơn”. Theo chuyên gia này, ông Larijani có thể đã bỏ cuộc bởi ông chẳng có gì để “tặng” cho ông Solana: “Tổng thống Ahmadinejad không để cho ông Larijani một phạm vi hoạt động và đàm phán nào”.
Nhìn từ góc độ đối nội, một chuyên gia phân tích chính trị khá ôn hòa của Iran, Mohamad Sadegh Al-Hosseini, giải thích: “Dường như đây là một bước tiến tới việc củng cố phe của ông Ahmadinejad, theo cánh gạt bỏ mọi nghi ngờ về những chia rẽ nội bộ”. Theo chuyên gia này, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tách được một đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn của mình trong những cuộc bầu cử sắp tới.
“Hành động của ông Ahmadinejad nhằm củng cố phe của ông hướng tới cuộc bầu cử lập pháp tháng 3/2008 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2009”. Larijani từng là đối thủ chiến bại của Ahmadinejad trong cuộc bầu cử năm 2005.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ đối ngoại, quyết định trên được Tổng thống Ahmadinejad đưa ra ngay sau khi Iran nhận được sự ủng hộ công khai và đặc biệt của Tổng thống Nga trong chuyến thăm Tehran. Có thể đây chỉ là một sự trùng lặp bởi ông Larijani đã không ít lần đệ đơn từ chức. Nhưng cũng không ít người cho rằng cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Iran đang chứng tỏ sự cứng rắn hơn của mình.
Sự việc trên lại trùng hợp với lời đe dọa của tướng Mahmoud Chaharbaghi, phụ trách nhánh tên lửa trong Quân cảnh vệ các mạng Iran (Pasdaran, tức quân đội Iran), là “sẽ khai hỏa nếu có sự tấn công từ nước ngoài nằm vào Iran”.
Tướng Chaharbaghi đã không gọi tên kẻ thù, nhưng nhấn mạnh rằng “các căn cứ và quan điểm thù địch đã được xác định” và Pasdarans sẽ bắn 11.000 tên lửa (ông không nói rõ là thuộc loại nào) “ngay phút đầu tiên sau khi có một cuộc tấn công bất kỳ vào lãnh thổ Iran”.
Ngoài Israel, Mỹ có 40.000 lính ở các căn cứ khác nhau trong vùng Vịnh và 20.000 ở các vùng hải phận trong khu vực. Đó là chưa kể tới số binh lính được huy động đến Iraq và Afghanistan, hai nước láng giềng với Iran.
Tehran có thói quen cao giọng và nhắc đến từ “chiến tranh” mỗi khi phương Tây đe dọa trừng phạt. Cũng tương tự như khi Washington khẳng định lại rằng không loại trừ một khả năng nào đối mặt với Tehran, chế độ mà họ lên án là muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Bush cho rằng cần phải ngăn chặn các hoạt động hạt nhân của Iran để tránh một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
![]() |
Saïd Jalili, nhà đám phán mới của Iran. Ảnh: AP. |
Dù không nhân nhượng trong các cuộc thương lượng với phương Tây và IAEA, nhưng ông Larijani vẫn được coi là ôn hòa hơn so với Tổng thống Ahmadinejad và có xu hướng tiến tới một giải pháp ngoại giao hơn. Theo các nhà quan sát ở Tehran, sự ra đi của ông Larijani, điều mà chính quyền Iran không giải thích và bình luận gì, đánh dấu việc Ahmadinejad đã giật lại hồ sơ hạt nhân và trao vào tay ông Jalili khá xa lạ, dù rằng theo người phát ngôn của Tổng thống, đường hướng của Tehran về hạt nhân sẽ không thay đổi.
Cựu đại sứ Mỹ ở Liên hiệp quốc, trước đây từng phụ trách vấn đề hạt nhân Iran ở Washington, ông John Bolton, thấy trong sự kiện này “một chiến thắng rõ nét của ông Ahmadinejad”. Trong khuôn khổ cuộc xung đột nhân sự trong chính sách đối nội ở Nhà nước Hồi giáo, chiến thắng này được gài vào “cuộc chiến lớn hơn nhằm giành chính quyền” dự kiến sẽ bắt đầu khi nào giáo chủ Ali Khamenei, một người có quyền lực và chống Ahmadinejad, qua đời.
Năm 2005, Ahmadinejad đã chỉ định Larijani - một cựu chỉ huy Pasdaran thân với Khamenei và là khuôn mặt được tôn trọng trong phe bảo thủ - lên thay thế cho nhân vật ôn hòa Hassan Rowhani. Tân tổng thống khi đó chỉ trích ông này quá mềm và theo khuynh hướng hòa giải trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Khi đó, Larijani đang điều hành đài phát thanh và truyền hình công. Ở vị trí này, ông là một trong những công cụ hiệu quả của phe bảo thủ để la mắng không thương tiếc phương sách của người tiền nhiệm của ông Ahmadinejad là cựu tổng thống Mohammad Khatami, và cản trở các cuộc cải cách dân chủ.
Sau đó, với Larijani, Iran đã có một giọng khiêu khích và nối lại chương trình làm giàu uranium, mở đường cho sự đối đầu hiện nay. Chính việc từ chối đóng băng chương trình này đã khiến Liên hiệp quốc thông qua các lệnh trừng phạt Tehran, tháng 12/2006, và sau đó là tháng 3 vừa qua.
Nhưng những bất đồng giữa Larijani và Ahmadinejad đã bắt đầu lớn và công khai hơn kể từ đầu năm nay, đặc biệt là về vai trò của Tehran ở Iraq.
Nhà ngoại giao Saïd Jalili, kế nhiệm Ali Larijani phụ trách vấn đề hạt nhân Iran, là một ngôi sao mới nổi trên chính trường Iran. Ông được coi là một người thân cận của Tổng thống Ahmadinejad, một người luôn chủ trương cứng rắn. Như vậy, cánh tay phải cứng rắn của ông đã thêm phần săn chắc.
Bạch Dương (theo Le Monde, Le Figaro)