Reuters ngày 18/2 dẫn các nguồn tin tại Iraq và Iran cho biết Esmail Qaani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 29/1 đã gặp đại diện một số nhóm dân quân thân Tehran tại Baghdad.
Cuộc gặp diễn ra chưa đầy hai ngày sau khi Tháp 22, tiền đồn quân sự của Mỹ tại Jordan, bị dân quân thân Iran tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) khiến ba lính Mỹ thiệt mạng.
Tướng Qaani cảnh báo các nhóm dân quân rằng việc họ làm "người Mỹ đổ máu" có thể dẫn tới động thái đáp trả mạnh mẽ của Washington, như tập kích các chỉ huy cấp cao và hạ tầng quan trọng của các lực lượng này, thậm chí có thể trả đũa trực tiếp Iran. Ông đề nghị các nhóm dân quân tạm thời "án binh bất bất động" để tránh những kịch bản trên.
Ban đầu có một nhóm không đồng ý với yêu cầu của tướng Qaani, song hầu hết đều chấp thuận, theo các nguồn tin.
Các quan chức giấu tên ở Lebanon và Iraq cũng nói với Washington Post rằng giới lãnh đạo cấp cao Iran đã yêu cầu các nhóm dân quân hành động thận trọng, tránh "đổ thêm dầu vào lửa", dù trong các thông điệp công khai, họ thường cảnh báo sẽ "sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa".
Các quan chức Mỹ cho hay thông điệp ghìm cương của Iran đã phát huy hiệu quả. Một ngày sau cuộc gặp với quan chức Iran, lực lượng Kataib Hezbollah thân Tehran tuyên bố tạm ngừng hoạt động quân sự chống Mỹ để "giữ thể diện cho chính phủ Iraq".
Từ ngày 4/2 cũng không xảy ra thêm cuộc tập kích nào nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria, dù dân quân thân Iran đã tiến hành hơn 20 vụ tấn công trong vòng hai tuần trước đó.
"Nếu không có sự can thiệp trực tiếp của tướng Qaani, không ai có thể thuyết phục nhóm Kataib Hezbollah ngừng hoạt động quân sự để hạ nhiệt căng thẳng", chỉ huy cấp cao của một trong các nhóm dân quân thân Iran cho biết.
Tướng Qaani, đặc nhiệm Quds và Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra bình luận. Truyền thông Iraq từng nhắc tới chuyến thăm của quan chức Iran, song không đề cập nội dung cuộc gặp.
Một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận vai trò của Tehran liên quan việc căn cứ Mỹ ở Trung Đông ít bị tấn công hơn, song không rõ tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.
Một nhóm đại diện cho các phe phái có lập trường cứng rắn tuyên bố sẽ nối lại hoạt động quân sự nhằm vào lính Mỹ ở khu vực, sau khi Washington không kích hạ sát Abu Baqir al-Saadi, chỉ huy cấp cao của Kataib Hezbollah, tại Baghdad hôm 7/2.
Al-Nujaba, nhóm vũ trang nhỏ song thường xuyên hoạt động, trước đó cũng khẳng định sẽ tiếp tục chống lại hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực.
Giới chức Mỹ nhận định Iran có mức độ kiểm soát cao với các nhóm mà Washington gọi là "lực lượng ủy nhiệm" của Tehran ở Trung Đông. Iran xác nhận đã tài trợ, cố vấn và đào tạo các nhóm trên, song nhấn mạnh những lực lượng này tự đưa ra quyết định.
Mỹ hiện triển khai khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq và 900 lính ở Syria, nằm trong liên minh quốc tế chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sau khi IS bị tiêu diệt, liên minh này cho biết vai trò của họ tại Iraq là cố vấn và hỗ trợ các đối tác địa phương.
Phạm Giang (Theo Reuters, WP)