Theo New York Times, ông Trump đang sử dụng ba chiếc iPhone, trong đó hai chiếc chính thức đã được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ hiệu chỉnh nhằm hạn chế khả năng bị hack. Máy iPhone khác không can thiệp gì, được ông dùng như một thiết bị liên lạc cá nhân.
Báo Mỹ cho rằng chiếc iPhone thứ ba của ông Trump trở thành mục tiêu nghe lén đối với gián điệp Trung Quốc và Nga. Thông qua các cuộc trao đổi của người đứng đầu nước Mỹ với bạn bè, các điệp viên có thể biết thêm thông tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại...
"Các cuộc gọi trên điện thoại di động có thể bị chặn lại khi nó chuyển qua các tháp di động, cáp cũng như hệ thống chuyển mạch - những thứ tạo nên mạng di động trong nước và quốc tế. Các cuộc gọi được thực hiện từ bất kỳ điện thoại di động nào, iPhone, Android hay cả những chiếc Samsung nắp gập đời cũ, đều dễ bị can thiệp", New York Times viết.
Dựa trên mô tả đó, các chuyên gia đã đặt ra một số giả định về cách mà gián điệp có thể nghe lén điện thoại của ông Trump. Trong đó, phương thức có khả năng nhất là giải mã thụ động cuộc gọi khi nó thực hiện truyền tín hiệu từ điện thoại đến tháp di động của nhà mạng, theo Cựu Giám đốc an ninh Facebook Alex Stamos.
"Đại sứ quán Nga và Trung Quốc có thể 'hút' các băng tần GSM hay LTE trong một khu vực", Stamos viết. "Những chiếc iPhone hiện đại sẽ thực hiện cuộc gọi VoLTE (đàm thoại thông qua mạng LTE), có nghĩa là gián điệp sẽ phải thực hiện cuộc tấn công thụ động chống lại handshake (quá trình xác nhận tự động giữa hai người khi tham gia vào cuộc trao đổi) hoặc mật mã khối KASUMI".
Cựu giám đốc bảo mật của Facebook cũng đề cập đến khả năng điện thoại của tống thống Donald Trump bị nghe lén thông qua khai thác điểm yếu trong Hệ thống báo hiệu số 7 (SS7), một giao thức mạng tồn tại hơn 40 năm qua cho phép người dùng có thể kết nối liên tục từ mạng này sang mạng khác, khi di chuyển khắp nơi trên thế giới.
Stamos không cho rằng SS7 là phương thức nghe lén có khả năng cao bởi nhà mạng có thể nhận biết được điều này nếu nó được dùng để theo dõi số điện thoại của tổng thống Mỹ. Ông cũng loại trừ khả năng iPhone của ông Trump bị cài phần mềm độc hại hay bị tấn công xen giữa (man-in-the-middle) khi thực hiện đàm thoại.
Các chuyên gia bảo mật khác lại đặt nghi vấn cuộc nghe lén được áp dụng với những người nhận được cuộc gọi từ tổng thống Trump. Điều này là hoàn toàn có thể nhưng nó không giải thích được vì sao các phụ tá của ông Trump lại thất vọng khi người đứng đầu nước Mỹ tiếp tục sử dụng điện thoại di động mà không chịu dùng điện thoại cố định.
Hiện nay chưa ghi nhận cuộc tấn công nào có thể giải mã được các cuộc gọi thông qua mạng LTE. Để điều này xảy ra, gián điệp phải có khả năng phá vỡ một tiêu chuẩn mà hàng trăm triệu người đang sử dụng hằng ngày, vốn dùng để trao đổi những điều riêng tư cá nhân hay các thông tin kinh doanh nhạy cảm nhất. Vì thế vẫn chưa có giải thích nào thỏa đáng cho phương pháp mà Trung Quốc, Nga dùng để nghe lén điện thoại của ông Trump.
Bảo Anh
(theo Arstechnica)