Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Apple đang đề nghị các hãng cung cấp linh kiện sản xuất tới 80 triệu sản phẩm, cao hơn 30% so với đơn đặt hàng năm ngoái cho iPhone 5S và 5C. Apple được dự đoán tung hai mẫu iPhone lớn hơn vào mùa thu này và đang đặt hàng linh kiện tại các công ty châu Á cho kỳ sản xuất tháng 8.
Đại gia công nghệ Mỹ không công bố tên các hãng cung cấp. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các công ty Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc từng cung cấp linh kiện cho các phiên bản iPhone trước sẽ tiếp tục sản xuất các thành phần như màn hình, camera và bộ vi xử lý. Một vài công ty trong số này gần đây đã thông báo tăng lợi nhuận dự đoán. Các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích cũng đề cập đến hiệu ứng Apple tại các ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Một quan chức Chính phủ Nhật Bản ước tính mẫu iPhone mới có thể tăng nhu cầu hàng điện tử xuất khẩu của nước này thêm 5% mỗi quý. Các đơn đặt hàng của Đài Loan (Trung Quốc) cũng ở mức cao nhất 17 tháng trong tháng 6. Sản lượng công nghiệp tháng 6 của Đài Loan cũng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán của giới phân tích, do tốc độ tăng trưởng 2 chữ số tại mảng thiết bị bán dẫn. Nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là nhu cầu của Apple tăng lên.
"Sự tăng trưởng trong sản lượng thiết bị bán dẫn chắc chắn có liên quan đến đợt ra mắt iPhone sắp tới", Anita Hsu - nhà kinh tế học tại Masterlink Investment Advisory cho biết.
Japan Display (Nhật Bản) và LG Display (Hàn Quốc) là hai hãng cung cấp màn hình lớn nhất của Apple. Đây là bộ phận đắt đỏ nhất của iPhone. Catcher Technology (Đài Loan, Trung Quốc) cung cấp phần vỏ kim loại - bộ phận giá cao không kém. Largan Precision (Đài Loan, Trung Quốc) làm phần ống kính camera. Samsung Electronics (Hàn Quốc) sản xuất bộ vi xử lý. Còn khâu lắp ráp tại các nhà máy Trung Quốc thuộc về hai công ty Hon Hai Precision và Pegatron.
Catcher đã thông báo đạt doanh thu kỷ lục hồi tháng 6. Largan cũng có doanh thu tháng đó cao thứ 2 trong lịch sử.
Các đợt ra mắt iPhone trước đã thúc đẩy đáng kể việc kinh doanh của các nhà sản xuất châu Á. Chi phí cho mỗi chiếc iPhone 5S là 200 USD. Bộ phận đắt nhất là màn hình và vỏ, với 40 USD. Giá bán lẻ của loại điện thoại này là 600 USD, nếu không có hợp đồng với nhà mạng.
Randy Abrams - nhà phân tích tại Credit Suisse cho biết iPhone có thể giúp các công ty Đài Loan đạt doanh thu 17,9-26,9 tỷ USD năm nay. Họ ước tính các công ty này sẽ được trả 100-150 USD chi phí linh kiện và lắp ráp.
Tom Kang - nhà phân tích tại Counterpoint Research cho biết các công ty Nhật Bản - như Japan Display và Sony sẽ là người hưởng lợi lớn nhất trong chuỗi cung ứng của Apple. Hôm qua, Sony cho biết sẽ chi 345 triệu USD để tăng năng suất cảm biến camera. Việc này được dự đoán là để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của Apple.
Quý II năm ngoái, ngay trước khi iPhone 5S ra mắt, Japan Display công bố lợi nhuận tăng gấp 4 so với năm trước đó. Lợi nhuận tháng 9 năm ngoái (tháng ra mắt iPhone 5C) của Pegatron cũng gấp đôi.
Dù vậy, không phải công ty nào cũng được hưởng lợi từ Apple. Samsung từ trước đến nay vẫn là nhà cung cấp bộ vi xử lý duy nhất cho iPhone. Tuy nhiên, Apple đang đa dạng hóa hãng sản xuất bộ phận này, một phần do tranh chấp pháp lý gần đây giữa hai đại gia công nghệ.
Hà Thu