"Tôi thích iPhone vì nó nhỏ, nhẹ và tinh tế. Ai nhìn cũng có vẻ ghen tị", Ngọc - kế toán 24 tuổi tại Hà Nội cho biết.
Những khách hàng như cô là lý do Apple đang tập trung vào thị trường Việt Nam và cả Đông Nam Á để cạnh tranh với Samsung. Những người này sẵn sàng chi vài tháng tiền lương để mua một chiếc iPhone hoặc iPad. Apple cũng đang hợp tác với FPT - hãng công nghệ niêm yết lớn nhất Việt Nam, để mở thêm nhiều cửa hàng tại các thành phố lớn.
"Một trong các chiến dịch lớn nhất của Google đang diễn ra tại Đông Nam Á. Nếu nhìn vào các con số, anh sẽ thấy Android đã vượt Apple về số smartphone và đang tiến xa trong mảng máy tính bảng", Tim Bajarin - Chủ tịch hãng tư vấn công nghệ Creative Strategies cho biết.
Các smartphone chạy hệ điều hành Android của Google hiện chiếm 78% thị phần toàn cầu, tăng 66% so với năm 2012, theo hãng nghiên cứu Gartner. Iphone của Apple xếp nhì với 16%, giảm so với 19% trước đó. Thị phần máy tính bảng của Apple cũng giảm từ 53% xuống 36% năm ngoái. Trong khi số liệu này của Samsung lại tăng hơn gấp đôi lên 19%.
Động thái tấn công vào thị trường Đông Nam Á diễn ra sau khi Apple tuyên bố hợp tác với IBM nhằm mở rộng công nghệ điện thoại sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp, với các phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp được trang bị trên iPhone và iPad. Apple dự định hợp tác với IBM trong các mảng phân tích dữ liệu, công nghệ đám mây và di động.
Các sản phẩm của Apple rất phổ biến tại Việt Nam - nơi giới trẻ rất chuộng thương hiệu, ông Nguyễn Lâm - Giám đốc IDC Việt Nam cho biết. Ông dự đoán số smartphone bán ra tại Việt Nam sẽ tăng 56% lên 12 triệu chiếc năm nay. Apple cũng sẽ có phần kha khá từ đó. "Có rất nhiều thương hiệu giá rẻ, nhưng đây mới là sản phẩm thể hiện địa vị xã hội và gu thời trang", ông cho biết.
Doanh số iPhone tại Việt Nam đã tăng hơn gấp 3 nửa đầu tài khóa này, CEO Tim Cook cho biết cuối tháng 4. Năm 2012, FPT cũng cho xây dựng các cửa hàng F.Studio phỏng theo đại lý của Apple tại các nước phát triển với các nhân viên nói tiếng Anh được chính Apple đào tạo.
Vương Hà - một khách hàng cho biết: "Ở đây, tôi có thể tin tưởng vào chất lượng và còn được nhân viên hỗ trợ. Tôi không dám cầm từng này tiền đi mua iPhone ở chỗ khác". Cô đã hoãn mua điện thoại cho đến khi F.Studio đầu tiên mở cửa tại Hà Nội, do sợ mua phải hàng giả.
Là nhà đối tác bán lẻ cấp cao (premium reseller) của Apple tại Việt Nam, FPT được quyền phối nhiều sản phẩm, từ iPod đến iPhone. CEO FPT - ông Bùi Quang Ngọc cho biết trên Bloomberg rằng trong nhiều năm trước, Apple từng từ chối hợp tác với FPT. Vì vậy, "khi họ bắt đầu chú ý đến Việt Nam, đây đúng là sự thay đổi đáng kể. Đông Nam Á là một thị trường lớn", ông nói.
"Chúng tôi từng hợp tác với nhiều công ty, như Oracle, IBM, HP, Nokia, Samsung, Motorola. Nhưng Apple rất đặc biệt. Họ khắt khe và không dễ làm việc", ông cho biết. Trước khi được nhận vào F.Studio, các nhân viên sẽ phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn và kỳ huấn luyện tăng cường từ các giám sát viên FPT được đào tạo bởi Apple.
Việc này sẽ giúp Apple kiểm soát chặt chẽ thương hiệu của họ, Matthew Crabbe – Giám đốc Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Mintel cho biết.
Apple cũng đang tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á khi hợp tác với các chuỗi cửa hàng tại Malaysia và Thái Lan. 26% doanh thu quý I của Apple đến từ châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, 20% là đóng góp của Trung Quốc.
Theo Crabble, cuộc chiến giành khách hàng của Apple đã chuyển trọng tâm sang Đông Nam Á. Đầu năm nay, Indonesia đã chấp thuận đề nghị mở cửa hàng đầu tiên của Apple trong khu vực.
"Trung Quốc là một thị trường lớn, nhưng cạnh tranh rất cao và cũng đã bão hòa rồi. Đông Nam Á có lực lượng người tiêu dùng tiềm năng hơn. Apple hiểu rõ một khi đã muốn tấn công, thì phải làm thật nhanh. Họ sẽ phải xây dựng bản thân, kết nối với khách hàng. Mọi thứ đang được tiến hành rất tốc độ", Crabble cho biết.
Hà Thu