Sáng hôm qua đọc báo, tôi mới biết Apple đã có màn giới thiệu các mẫu iPhone 16. Có thể nói, từ thế hệ 12 dần trở về sau, mỗi một lần iPhone ra mắt là một lần người hâm mộ thất vọng và buổi lễ ra mắt cũng kém sức hút dần đều.
Lễ ra mắt năm nay hầu như không gây cơn sốt đáng kể nào trên mạng xã hội. Tôi nhớ, vào năm 2017, khi iPhone X được ra mắt, sức hút là rất lớn, hầu như trên Facebook, tín đồ công nghệ hay dân ngoại đạo đều chia sẻ, háo hức thức khuya chờ tới buổi lễ.
Vì sao iPhone dần kém sức hút? Vì thực ra chẳng có thiết kế hay tính năng nào đột phá cả. Cái chỉ dấu camera ba mắt khi soi gương chụp ảnh rồi up lên mạng xã hội không làm cho người dùng "trông sang chảnh hơn".
Ngoại hình iPhone 12 Promax hay iPhone 16 Promax mới ra mắt, về cơ bản, là như nhau. Những tính năng công nghệ mới, thường có mặt trước tiên trên các mẫu Android, Apple thì cập nhật một cách chậm chạp (nhưng có lẽ họ không làm được?).
Đơn cử như iPhone màn hình gập, nó được cho là sẽ ra mắt vào cuối năm 2026, theo dự kiến của Apple. Thế nhưng, một báo cáo cho biết, iPhone gập (hoặc iPad gập) của Apple sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang năm 2027.
Trong khi đó, màn hình gập đôi đã được các hãng Android làm từ lâu, thậm chí, một cú đột phá mới là gập ba, tức chiếc Huawei Mate XT giá 2.800 USD đã được ra mắt, giá đắt gấp ba lần iPhone 16 Pro và bán cùng ngày với điện thoại Apple.
Đây là một cú đụng độ trực tiếp của hai hãng. Nhiều người bảo màn gập ba không ý nghĩa, không lợi ích với người dùng. Đợi một chút, khi nào sản phẩm được bán chính thức, có người dùng và trải nghiệm, chúng ta sẽ chờ họ review. Còn bây giờ, ít ra điều này cho thấy Huawei chịu khó nghiên cứu và dũng cảm áp dụng lên sản phẩm của mình, để không gây nhàm chán.
Còn nhìn những chiếc iPhone mấy năm nay, tôi có cảm tưởng đó là những dung dịch rượu đã cũ, được đựng trong một cái bình mới. Thậm chí, họ còn lười thiết kế lại cái bình đó, ví dụ như chỉ việc thay đổi vị trí camera.
Hữu Duy