Tuy nhiên, thay vì để trong hộp máy, tai nghe Earpods đựng trong một hộp giấy riêng. Còn hộp đựng iPhone vẫn có thiết kế và kích thước tương tự, mỏng và bên trong chỉ còn cáp lightning. Ngoài iPhone 12, các mẫu iPhone khác cũng kèm tai nghe theo hình thức tương tự. Riêng củ sạc vẫn bị bỏ khỏi hộp như các thị trường khác.
Theo GSM Arena, luật cạnh tranh tại Pháp yêu cầu bất kỳ điện thoại nào bán ra phải kèm phụ kiện để đàm thoại rảnh tay hoặc tai nghe để bảo vệ trẻ em dưới 14 tuổi khỏi bức xạ điện từ.
Việc Apple bỏ tai nghe cũng như củ sạc trên toàn bộ iPhone xuất xưởng từ tháng 10 được cho để giảm rác thải công nghệ, bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguyên liệu và chi phí sản xuất.
Theo Apple, việc không đóng gói kèm củ sạc và tai nghe giúp tiêu thụ ít nguyên liệu thô hơn cho mỗi mẫu iPhone bán ra. Nhà sản xuất ước tính giảm được hơn hai triệu tấn khí thải carbon, tương đương khoảng 450.000 xe hơi mỗi năm. Trong lễ ra mắt iPhone 12, hãng thống kê đã có 700 triệu tai nghe Lightning và hai tỷ củ sạc trên thế giới. "Điều đó cho thấy hầu hết mọi người đều đã có hai loại phụ kiện này", Apple nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lý do bảo vệ môi trường của Apple không thuyết phục người dùng. Thống kê của VnExpress hồi tháng 7 cho kết quả: 75% độc giả không muốn Apple cắt phụ kiện trên iPhone. Theo phân tích của The Verge, việc loại bỏ củ sạc nhưng tặng kèm cáp lightning USB-C khiến chính sách môi trường của Apple thành nửa mùa, vì người dùng vẫn phải tốn tiền mua sạc mới chứ không thể tận dụng củ sạc của iPhone cũ dùng cổng USB-A.
Mỹ Anh