Thông tin về việc Apple có thể bỏ cục sạc trên iPhone 12 khiến người dùng khắp thế giới tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ giúp iPhone 12 giảm giá, người dùng có thể sử dụng bộ sạc theo ý thích, đồng thời giảm lượng rác thải điện tử trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là chiêu bài cắt bỏ linh kiện để gia tăng lợi nhuận của Apple, vốn đã được áp dụng nhiều lần trên các thế hệ iPhone trước.
Khảo sát của VnExpress trên 2 nghìn độc giả, có 75% cho rằng bộ sạc theo máy là cần thiết, và chỉ 25% cho rằng trang bị này không quá quan trọng và có thể lược bỏ.
Tại Việt Nam, nhiều người cũng phản đối việc lược bỏ này. Các lý do được đưa ra như giúp giảm chi phí linh kiện, giảm chi phí vận chuyển từ đó giảm giá máy; hay lợi ích về mặt môi trường, chưa được ghi nhận. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cách làm này có thể phản tác dụng tại Việt Nam, bởi thị trường trong nước còn tồn tại sạc nhái chất lượng kém, trong khi thói quen mua bán điện thoại đã qua sử dụng thường mong muốn "nguyên hộp đủ phụ kiện".
Trên cộng đồng người dùng iPhone, thành viên Bùi Long cho rằng việc bỏ cục sạc, nếu có sẽ chỉ là chiêu "hút máu" mới của Apple. Nếu Apple thực sự bỏ sạc trong hộp, tỷ lệ người mua iPhone 12 cần mua thêm sạc sẽ rất cao. Người được lợi chính vẫn là Apple.
Theo anh Long, phần lớn người dùng iPhone đang phải dùng sạc đời cũ, tốc độ chậm (5W), trong khi iPhone hiện nay có thể hỗ trợ sạc nhanh 18W. Việc tận dụng sạc cũ sẽ gây ra nhiều bất tiện, đặc biệt khi pin của iPhone đã lớn hơn xưa rất nhiều. Ngoài ra, việc Apple có thể bổ sung kích thước màn hình 5,4 inch và 6,7 inch sẽ kéo theo nhiều người dùng mới chưa từng có bộ sạc iPhone nào trong nhà. Vì vậy, họ vẫn sẽ phải mua sạc ngoài của Apple nếu không phải dùng sạc từ bên thứ 3 tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Độc giả Vũ Duyên bình luận trong bài viết iPhone 12 không bán kèm sạc rằng người mua iPhone mới cũng luôn mong muốn một củ sạc đúng với đời máy để có thể tận dụng hết lợi thế công nghệ. "Việc dùng máy mới với phụ kiện cũ sẽ rất khập khiễng. Nếu người dùng phải mua thêm cục sạc riêng cho iPhone mới, chi phí vận chuyển cho hai món không thể rẻ đi và cũng rất khó để ‘bảo vệ môi trường’ với các loại hộp, vỏ đi kèm".
Thế Quyết, một người kinh doanh iPhone lâu năm tại Hà Nội, nhận định việc Apple không bán cục sạc theo máy sẽ tạo cơ hội cho thị trường sạc nhái phát triển. "Một bộ phận không nhỏ người dùng vẫn chủ quan trong việc chọn sạc và thường ưu tiên các bộ sạc có giá rẻ nhất. Nếu được chọn mua, chưa chắc họ đã mua sạc chính hãng. Việc sử dụng sạc nhái dễ xảy ra cháy nổ, chai pin. Sạc nhái có độ bền kém nên lượng rác thải ra môi trường có thể còn lớn hơn nhiều lần", anh nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng "khó chấp nhận" việc một chiếc máy giá hàng chục triệu đồng mà lại không có sạc đi kèm. "Nếu thực sự muốn giảm giá máy hay hạn chế rác thải, Apple nên bán nguyên hộp có sạc như thông thường. Người nào không có nhu cầu sử dụng sạc có thể trả lại và được trừ tiền", độc giả Võ Nhân nêu ý kiến.
Hiện nay, một củ sạc iPhone USB-C 18W chính hãng có giá 1 triệu đồng, cao hơn hầu hết sạc nhanh của các hãng smartphone hiện nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple sử dụng "chiêu" cắt bỏ trang bị nhằm gia tăng lợi nhuận. Trước đây, hãng này bị cho là cố tình bỏ cổng tai nghe, giảm adapter, chuyển lightning sang 3,5 mm, nhằm "ép" người dùng mua tai nghe Airpods hoặc một adapter riêng với giá 9 USD.
Mặc dù việc bỏ củ sạc và tai nghe trên iPhone mới chỉ là tin đồn, nhiều chuyên gia công nghệ nổi tiếng thế giới cùng tuyên bố cho thấy nhiều khả năng việc này sẽ trở thành sự thật. Một số ảnh dựng hộp iPhone 12 không có chỗ cho sạc và tai nghe. Ngoài ra, Apple được cho là đang âm thầm khảo sát người dùng về cách sử dụng và tái chế bộ sạc cũ.
Giá của iPhone 12 có thể không rẻ hơn iPhone 11. Theo nhận định của một số nhà phân tích, việc trang bị kết nối 5G, màn hình OLED, khiến giá sản phẩm này tăng cao hơn ít nhất 50 USD so với thế hệ trước, ngay cả khi không có sạc, tai nghe.
Lưu Quý