Cover
Cover
Text
Một ngày đầu tháng 9, trong không khí cả nước rộn ràng đón Quốc khánh, hơn 3.000 cán bộ nhân viên Dược Hậu Giang nô nức xuống đường mừng doanh nghiệp lớn nhất Cần Thơ tròn 45 năm tuổi. Hình ảnh những người mặc áo xanh nhiệt huyết từ lâu đã trở thành biểu tượng tự hào của người dân xứ “Tây Đô”.
Dẫn đầu nghìn người đi bộ là Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga (Cố vấn HĐQT) - Cựu CEO 68 tuổi, và Thạc sĩ Ðoàn Ðình Duy Khương - CEO 45 tuổi đương nhiệm. Họ đại diện cho hai thế hệ đã gắn bó, cống hiến và dành trọn thanh xuân cho Dược Hậu Giang. Đi cùng họ, đội ngũ hàng nghìn người tươi cười rạng rỡ.
Ngày quốc khánh gần nửa thế kỷ trước, hãng tân dược lớn nhất cả nước ra đời. Nếu ví Dược Hậu Giang như một con người thì mỗi chặng đường đi qua đều gắn liền với quá trình vận đổi sao dời của thành phố sông Hậu.
Những trang sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ đã ghi dấu đóng góp lớn của các bác sĩ, dược sĩ, trong đó có Xưởng Dược T3 tồn tại giữa rừng U Minh Hạ dưới mưa bom, bão đạn. Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga kể lại: “Thuở đó, toàn lực Xưởng dược T3 là những chàng trai cô gái dược sĩ trung học, khóa chính quy đầu tiên của Tây Nam Bộ, tuổi mới đôi mươi nhưng hừng hực nhiệt huyết. Họ đã lao mình vào làn bom đạn cứu các chiến sĩ, vật lộn với con nước chảy ngược, trầm mình đẩy xuồng tiếp tế dược phẩm phục vụ chiến trường và người dân vùng nông thôn giải phóng”.
Nhìn vào những thành quả y dược tiên tiến ngày nay, không ai có thể tưởng tượng được những viên thuốc, ống tiêm ra đời trong thời bao cấp khốn khó hay trước những năm dỡ bỏ cấm vận, “sơ khai” ra sao. Những năm 1970, một chiếc mùng lớn giữa rừng, cũng đủ để đảm bảo tiệt trùng cho sản xuất thuốc tiêm, tương đương tiêu chuẩn vô trùng, cấp độ A của GMP ngày nay.
Dụng cụ vào thuốc là những dây truyền dịch của các bệnh viện sử dụng xong, xin về xúc rửa vệ sinh, hấp tiệt trùng lại. Hầu hết là những ống “quinin” chữa sốt rét cho bộ đội được Trung ương chi viện từ miền Bắc vào theo con đường tàu không số. Con đường của ống về đến xưởng gian nan, mỗi ống quinin nhận được phải đổi.
Thiếu thốn còn buộc các y dược sĩ Dược Hậu Giang thời bấy giờ phải tận dụng niễng chén bể, súc xà phòng, nước sạch nhiều lần để trung tính làm ống quinin. Hàng chục năm sau, những người dược sĩ như bà Phạm Thị Việt Nga vẫn nhớ vị đắng thấm sâu theo từng hơi thở, nhóm nào xúc ống thì ngày đó ăn không nổi cơm. Xưởng thủy tinh còn mua niễng chai trong dân về, dùng củi đước nấu nhiều ngày chảy ra, dùng ống kim loại rỗng để thổi thủy tinh. Không có điện, đèn hàn cắt ống phải dùng ống bơm xe đạp tạo nhiệt.
Rừng đước nước mặn quanh năm. Để có vài lít nước pha chế thuốc tiêm, người ta phải nấu suốt đêm, cất 2 lần. Để có cồn trên 70 độ tiệt trùng vết thương, các dược sĩ phải xuống ruộng trồng gạo nếp, ủ nung và nấu rượu 40-45 độ, sau đó cất rượu để có độ cồn cao hơn. Khi nhóm này suốt đêm nấu rượu cất nước, thì nhóm kia cũng thức trắng xay bột nếp để sáng mai kịp phơi. Thời ấy, bột nếp chính là tá dược với đủ các vai trò: độn, dính, rã… thuốc. Thiết bị là các máy dập viên quay tay một chày, được tàu không số chở từ miền Bắc đến tận mũi Cà Mau. Cả người lẫn máy phải làm hết công suất, 3 ca không nghỉ ngơi, mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Với những phương thức, thiết bị, dụng cụ thô sơ như thế, Xưởng Dược T3 ngày đó tự hào có đủ mọi “dây chuyền” sản xuất thuốc ống tiêm, ống uống, viên, gói, siro chai, thuốc bổ.... Kháng chiến ác liệt, nhiều người ở tổ thuốc đã hy sinh, song những quyển sách “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”… theo tàu không số vào Nam vẫn vực họ dậy giữa trận địa khói lửa.
Dù đã về hưu, nhưng vị “nữ tướng” 45 năm gắn bó với Dược Hậu Giang vẫn vẹn nguyên ký ức về xưởng T3. Bà cũng nhớ như in ngày quốc khánh năm 1974, Xưởng chuyển mình thành Xí nghiệp Dược phẩm 2/9, chiếc nôi đầu tiên cho nhà máy có sản lượng lớn nhất ngành dược ngày nay. Hơn một thập kỷ kể từ ngày ra đời, Xí nghiệp từng bước chuyển mình, sáp nhập với Công ty Dược phẩm Cấp 2, Trạm Dược Liệu thành Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang vào năm 1982 rồi sáp nhập với Công ty Cung ứng vật tư, thiết bị y tế, bắt đầu bước qua thời kinh tế thị trường nhiều vất vả với tên gọi Dược Hậu Giang.
Những năm 1988-1992, đất nước bước qua bao cấp, mở cửa vào kinh tế thị trường. Những con người lớn lên từ bao cấp, chưa từng được dạy dỗ về kinh doanh, bị ném ra thị trường, ít nhiều choáng ngợp. Đang xoay sở với kinh tế thị trường phải gắng gượng bám trụ, thì rất nhanh, toàn cầu hóa ập tới. Dù là một trong hai doanh nghiệp có nguyên liệu nhập khẩu; doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu máy đóng nang; nguồn kiều hối đôla lớn..., Dược Hậu Giang vẫn chưa được thị trường chấp nhận. Ngay trên sân nhà, người tiêu dùng vẫn quay lưng lại với Dược Hậu Giang, mà chỉ biết đến các sản phẩm của xí nghiệp TW 23/24/25, các sản phẩm viện trợ, xách tay, nhập khẩu từ các nước Đông Âu trong thùng hàng quà biếu từ các nước Pháp, Mỹ...
Bài học giá trị đầu tiên là gây dựng thương hiệu. Những ngày tháng này, đội ngũ mở đường đã mang ý chí, mang văn hóa, tấm lòng hiếu khách của con người Tây Bộ, tìm lối đi cho gần 300 sản phẩm đến mọi miền đất nước. Thay vì gia công cho các hãng dược khác, thương hiệu Dược Hậu Giang với slogan “Vì cuộc sống khỏe đẹp hơn” bắt đầu xuất hiện rộng khắp, mà sứ giả của thông điệp này là những đại diện bán hàng ở từng địa phương. Như bà Phạm Thị Việt Nga kể lại, thời kỳ này, từng trái tim, khối óc, con người Dược Hậu Giang kiên trì xây dựng hình ảnh hãng tân dược nhân văn trong chăm sóc sức khỏe cho người Việt.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, đội ngũ Dược Hậu Giang nhớ lại có những lúc thử thách buộc họ phải lội ngược dòng trên những con dốc đứng. Một trong những con dốc khắc nghiệt nhất phải kể đến đó năm 1997. Lúc ấy, đây là đơn vị duy nhất của ngành y tế được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, có doanh thu hàng tự sản xuất lớn nhất, hệ thống bán hàng trải rộng nhất, số lượng khách hàng nhiều nhất. Thế nhưng, tất cả bị chặn đứng dưới cái tên GMP- ASEAN, quy chuẩn đánh giá chất lượng viên thuốc khắp châu Á tràn vào Việt Nam. Thách thức mới buộc những người con mặc chiếc áo xanh mang thương hiệu Dược Hậu Giang không thể ngồi yên. Một chuyến dịch mang tên “60 ngày đêm Vì sự tồn tại và phát triển” được ví như “hội nghị Diên Hồng” ra đời.
Sau bài kêu gọi để Dược Hậu Giang trở thành Đứa con đầu lòng ngành dược Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN của Tổng Giám đốc, 100% cán bộ công nhân viên đều gửi tâm thư nhận bất cứ việc gì được giao, tạm từ giã gia đình dọn vào công ty thay nhau làm việc 24/24 nhằm đảm bảo chiến dịch 60 ngày đêm cán đích nhanh nhất.
Cả công ty dừng toàn bộ sản xuất, chia làm 4 nhóm: Nhóm mượn sách đoàn đánh giá GMP về photo và dịch thuật; Nhóm vệ sinh cơ sở vật chất, thiết bị máy móc; Nhóm sản xuất đảm bảo cung ứng hàng hóa; Nhóm hậu cần và thông tin nội bộ.
Lúc đó, môi trường và cả không khí của nhà máy 288 Bis Nguyễn Văn Cừ đều nhiễm khuẩn β Lactam cần phải xử lý. Nhân viên hừng hực khí thế, song việc thiếu kiến thức xử lí độ nhiễm β Lactam khiến toàn tập thể bối rối. Sau khi nghiên cứu tài liệu tự dịch thuật từ nước ngoài, ban lãnh đạo chọn nước Javen làm dung dịch xử lý triệt để. Tuy nhiên, Javen rất độc. Ban lãnh đạo phải đến Quân khu 9 mượn các loại mặt nạ, bình xịt phòng chống chất độc của quân đội để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên.
Cho đến hôm nay người Dược Hậu Giang vẫn không quên hình ảnh những cô gái đứng trên giàn giáo cao 5-6m dùng búa đập cho sạch lớp xi măng cũ trên tường, xây lớp mới. Những bữa cơm trưa vội vã đến nỗi tô canh chua ăn xong nước, mới biết còn cá và rau. Những giọt nước mắt mệt nhọc, những người ngất xỉu vì thời gian tiếp xúc với javen quá lâu. Những nét mặt bực tức, thất vọng, muốn buông xuôi khi đã 2 giờ sáng, 4 lần lấy mẫu kiểm vết đảm bảo độ sạch của máy đều không đạt. Cơn mệt, đói, thất vọng đã làm một vài anh hét lên “Sao không đạt, kiểm nghiệm, kết quả sai, không làm nữa”. Các anh hét nhưng vẫn lao vào tiếp tục vệ sinh máy, xịt tẩy phòng.
60 ngày đêm nhiều lúc không biết đôi dép mình nằm đâu, 60 ngày đêm không về nhà… đã dẫn dắt một tập thể quyết tâm đạt chuẩn. Để rồi, khi đoàn đánh giá Cục Quản lý Dược tuyên bố: “Dược Hậu Giang đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận các dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP-WHO”, loa nội bộ vang lên, báo tin chỉ vỏn vẹn hai từ: “Đạt rồi”.
Từ trong nhà máy đến ngoài đường Nguyễn Văn Cừ như muốn nổ tung. Giờ cơm ở nhà ăn công ty, người cười, kẻ khóc, không khí tự hào tràn ngập cả Dược Hậu Giang ngày ấy. Một bữa tiệc mừng công nho nhỏ diễn ra, có Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Đoàn đánh giá và ban Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang. Trong niềm vui đong đầy, Phó Chủ tịch tỉnh nói “Tôi không hiểu về tiêu chuẩn nhà máy, nhưng tôi biết cả tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đều mong chờ kết quả này, bởi họ nghe được sự lo lắng của con em, người thân trong suốt hai tháng qua”. Những người con trai, con gái cứng hơn sắt thép trong suốt 60 ngày đã khóc trong nhà máy vì hạnh phúc.
Sau chiến dịch 60 ngày đêm, Dược Hậu Giang thoát khỏi nguy cơ phá sản, chập chững bước vào thị trường, cố gắng cật lực để vươn lên dẫn đầu. Sau cổ phần hoá năm 2004, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang hiện lên khang trang giữa lòng thành phố Cần Thơ, có quy mô sản xuất lớn với hơn 3.000 cán bộ nhân viên, trang thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng và chất lượng cao. Công ty có mạng lưới phân khối 28.000 đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia.
Là thế hệ thứ hai tiếp nối vị trí thuyền trưởng lèo lái con tàu Dược Hậu Giang, CEO Đoàn Đình Duy Khương chứng kiến toàn bộ chặng đường phát triển thần kỳ của doanh nghiệp sau 20 năm toàn cầu hóa. Năm 2005, Dược Hậu Giang gia nhập câu lạc bộ Doanh nghiệp có doanh thu sản xuất trên 500 tỷ đồng, đến năm 2006, niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM.
Ngày nay, Dược Hậu Giang đã trở thành doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường - Công ty dược phẩm duy nhất nằm trong top 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018, được Forbes định giá 53,7 triệu USD.
Nửa thế kỷ vật đổi sao dời, song sứ mệnh “Vì cuộc sống khỏe đẹp hơn” vẫn vẹn nguyên giá trị cốt lõi đã theo đuổi 45 năm qua. Chất lượng sản phẩm là yếu tố ưu tiên hàng đầu, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe cộng đồng. Nếu năm 1997, chiến dịch 60 ngày đêm giúp Dược Hậu Giang trở thành “đứa con đầu lòng ngành dược Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN”, thì đến 2016 doanh nghiệp chính thức bắt tay với công ty top 5 “đế chế dược phẩm” lớn nhất Nhật Bản. Năm 2018-2019, gắn trên lưng người khổng lồ Taisho Nhật Bản, Dược Hậu Giang đã sở hữu 2 trong số những dây chuyền GMP Nhật Bản và GMP-PIC/s đầu tiên tại Việt Nam.
Khác với xưởng dược dã chiến 45 năm trước, mỗi sản phẩm Dược Hậu Giang ngày nay phải trải qua rất nhiều “tường lửa” nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng từ tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đến kiểm soát sản phẩm đầu ra. Nhà máy sản xuất nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn GMP-WHO, GMP-Japan và GMP-PIC/s, liên tục cập nhật theo dược điển hiện hành. Kho lưu trữ phải đạt chuẩn GSP. Phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn GLP. Chuỗi đường đi của nguyên liệu phải qua hơn 10 “cửa ải”. Chỉ cần một viên thuốc không đạt chuẩn, thì toàn bộ lô thuốc dù một triệu viên hay 10 triệu viên cũng bị tiêu hủy nhằm đảm bảo xác suất an toàn tuyệt đối.
Khách ghé thăm công ty vào những ngày kỷ niệm 45 năm sinh nhật sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cán bộ nhân viên hát “Giai điệu tự hào”, xem những thước phim ghi lại “60 ngày đêm”, đọc nhật ký của đội xung kích và Ban giám đốc đêm 3 ca thức trắng bên tiếng máy chạy... từ đó cảm nhận được những giọt mồ hôi đã đổ cho sự sinh tồn và phát triển của Dược Hậu Giang hôm nay. CEO Đoàn Đình Duy Khương khẳng định, dù trong bất kỳ giai đoạn nào, trí tuệ, bản sắc văn hóa riêng và giá trị nhân văn ẩn sau mỗi con người Dược Hậu Giang vẫn luôn tỏa sáng để xây dựng thương hiệu “Vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn” ngày ấy – bây giờ.
Nửa thế kỷ Dược Hậu Giang từ xưởng thuốc dã chiến vươn ra thế giới
 
 
Nội dung: Tâm Anh
Thiết kế: Hằng Trịnh
Kỹ thuật: Phương Thảo