“Cứ nói đến dự án đội vốn, trễ hẹn là 95% lý do đổ vào đền bù giải phóng mặt bằng. Đó không phải
lý do thuyết phục nữa”, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, người
có hơn 10 năm làm đại biểu HĐND, nêu quan điểm khác.
Ông cho rằng không chỉ riêng TP HCM, giải phóng mặt bằng giống như “tấm khiên” của cơ quan quản
lý khi phải giải trình nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công chậm tiến độ và vượt dự toán. Đây
cũng là nguyên nhân, nhưng không phải câu trả lời cho mọi dự án chậm tiến độ.
Thực tế, kể cả khi giải được bài toán giải phóng mặt bằng, có những dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”
hàng chục năm. Đơn cử như Khu tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 được phê duyệt đầu
tư từ năm 2002. Nhưng sau hơn 20 năm dân bàn giao đất, lời hứa về một khu tái định cư 761 nền đất và
2.944 căn hộ chung cư không thành hiện thực. Thay vào đó là khu đất bỏ hoang, cỏ mọc xen lẫn
giữa những bãi rác tự phát.
Kết quả nghiên cứu về tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán tại TP HCM của TS Vũ Quang Lãm (Đại
học Kinh tế TP HCM) rút ra một kết luận khác sau khi phỏng vấn 214 nhà quản lý dự án đầu tư công
tại TP HCM. “Các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt chi phí ở các dự án đầu tư công hầu hết đều nằm
ở năng lực con người hay công tác quản lý”, nghiên cứu của TS Lãm đúc kết. Sự yếu kém có thể do
chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hoặc nhà thầu.
Ông phân tích, yếu kém xảy ra thường xuyên nhất là thiết kế thiếu chi tiết. Quá trình thi công
phải chờ vẽ bổ sung, thiết kế không khớp quy hoạch đã duyệt, người lập dự toán thiếu kinh
nghiệm nên lập tiên lượng khối lượng thiếu, gây khó khăn cho nhà thầu phải xin bổ sung dự toán
kinh phí…
Chủ đầu tư phê duyệt lại thường không đủ kiến thức, kinh nghiệm nên chất lượng hồ sơ khảo sát
hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm, kinh nghiệm, năng lực của tư vấn. Trong khi đó, chế tài đối
với công tác tư vấn yếu kém hiện quá thấp, không quá 12% giá trị hợp đồng, không đủ để ngăn ngừa
và khắc phục vi phạm, sai sót.
Huyện Củ Chi còn nhiều dự án đầu tư công "treo"
nhiều năm. Ảnh: Quỳnh Trần
Còn Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, cho biết vướng
mắc nhất trong lĩnh vực đầu tư công là thủ tục đầu tư và thanh toán cồng kềnh. Chính quyền chưa
có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể từng khu vực, từng công đoạn. Ông dẫn chứng, có công trình kỷ
niệm 1.000 năm Thăng Long từ năm 2010 đến năm 2022 chưa được quyết toán, dẫn đến nợ đọng của các công ty
xây dựng rất nặng nề.
Theo ông Hiệp, một vấn đề nữa mà các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang “rất đau đầu” là đơn giá
định mức của Việt Nam quá lạc hậu. Nhiều đơn giá chỉ bằng 1/3 thực tế, thậm chí nhiều hạng mục
còn không có định mức. Ví dụ đóng cọc bê tông cốt thép giá định mức là 55.000/m2 nhưng giá thực
tế là 150.000 đồng/m2… “Nhà thầu Việt Nam hiện đứng trước tình cảnh, với đơn giá định mức quy
định, họ không làm được. Ví dụ, một trong những đơn vị mạnh của ngành xây dựng, sau khi nhận giá
gói thầu Mai Sơn - quốc lộ 45, bóc dự toán triển khai thì tính ra chưa làm đã lỗ 45%”, ông Hiệp
nói.
Sự phối hợp kém hiệu quả giữa các bên trong quá trình thực hiện dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến
chậm tiến độ và vượt dự toán, theo TS Vũ Quang Lãm. Với những dự án lớn, công việc được chia
thành nhiều gói thầu thì việc phối hợp giữa các nhà thầu không phù hợp cũng dẫn đến đình trệ
công việc và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư.
Thực trạng phối hợp kém này đang tồn tại ngay trong nội bộ chính quyền TP HCM, theo Chủ tịch UBND
TP HCM Phan Văn Mãi. “Các sở ban ngành và địa phương đã hài lòng với nhau chưa” là câu hỏi được
ông đặt ra với chính các thuộc cấp của mình trong một cuộc họp hồi tháng 8.
Đơn cử, khi lý giải việc giải phóng mặt bằng chậm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần
Văn Bảy cho rằng chủ yếu ách tắc ở khâu của địa phương. Nhiều quận huyện chậm bồi thường tái
định cư dẫn đến giá thời điểm bồi thường chênh lệch so với giá thẩm định, hệ quả là người dân
phản ứng.
Trong khi đó, huyện Củ Chi lại “than” lúng túng trong dự toán lập kế hoạch sử dụng đất (căn cứ
để địa phương thu hồi đất). Khi hỏi ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài nguyên và Môi trường
thì được hướng dẫn “liên hệ Sở Tài chính”. Hai tháng sau, Sở Tài chính mới trả lời là “liên hệ
Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn”. 10 tháng trôi qua, huyện này mới được ban hành
kế hoạch sử dụng đất.
“Có dự án huyện đã làm xong hết phần việc của mình, mời sở ngành họp để giải quyết thì lãnh đạo
sở ngành lại không tham gia để cùng Củ Chi giải quyết dứt điểm”, Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị
Thanh Hiền tâm tư. “Chúng tôi như lênh đênh trên biển”.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm cũng nhiều lần than thở rằng việc phối hợp giữa các sở,
ngành chưa nhuần nhuyễn, nhiều dự án gấp gáp nhưng “ứng xử rất từ từ, ý kiến quay vòng”. Có việc
rất bình thường, thay vì hỏi ý kiến 1-2 sở liên quan thì lại hỏi quá nhiều dẫn đến mất thời
gian, trong khi kết quả trả lời của các sở cũng không liên quan gì đến nhau.
“Nếu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tốt, kiểm nghiệm tốt, nhận định được cái gì nóng, gấp và chủ
động làm việc với quận, huyện, sở ngành thì hóa giải rất nhiều, thay vì chỉ phát văn bản hoặc
nói tại cuộc họp”, ông Lâm nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thừa nhận có tình trạng đùn đẩy, phối hợp chưa đồng bộ, trách
nhiệm chưa cao giữa các sở, ngành, ảnh hưởng đến công việc chung. “Một dự án giá trị trăm, nghìn tỷ đồng mà 3-5 năm mới xong, trong khi với số tiền đó ở nơi khác làm 1-2 năm là
xong", ông trăn trở.
TP HCM chỉ còn chưa đầy hai tháng để hiện thực hóa mục tiêu - giải ngân 95% vốn đầu tư công năm nay, tức hơn 33.700 tỷ đồng. Thành phố vừa đề xuất Trung ương cho phép giảm 13.759 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương và trả lại Trung ương 600 tỷ đồng vốn ODA. Nếu được chấp thuận, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 của TP HCM sẽ giảm 26% so với số Thủ tướng giao đầu năm, tỷ lệ giải ngân cũng có thể thay đổi mạnh.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng đang nỗ lực thúc đẩy nội bộ nhằm thoát khỏi vị trí cuối bảng trong tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của 63 tỉnh, thành. Ba tuần qua, người đứng đầu chính quyền thành phố ra ít nhất 3 văn bản đốc thúc việc giải ngân, ngay cả các bí thư ở địa phương cũng được đề nghị vào cuộc. Trong đó, một chỉ thị riêng về giải ngân đầu tư công cảnh báo sẽ bỏ khỏi kế hoạch trung hạn các dự án hai năm liên tiếp không đăng ký bố trí vốn hoặc không còn khả năng giải ngân; thay thế cán bộ, công chức, viên chức kém năng lực, nhũng nhiễu…
“Nếu tỷ lệ giải ngân không đạt trên 95% kế hoạch mà không có lý do chính đáng thì thủ trưởng sở ban ngành, chủ đầu tư và chủ tịch địa phương phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cảnh báo trong chỉ thị gửi đến tất cả đơn vị trên toàn thành phố hồi cuối tháng 10.
Thu Hằng - Hoàng Khánh - Thanh Hạ