Cover

Trong xu thế chung của thị trường dịch chuyển sang gầm cao, đa dụng, Thaco đã bổ sung cho dải sản phẩm mẫu CX-8 nhằm tăng thêm hiện diện và mở rộng thị phần. Giữa một rừng các gương mặt cùng cạnh tranh trong phân khúc, Mazda chọn cho mình công thức nhập cuộc đã quen là trang bị nhiều tính năng cộng với định giá ngang đối thủ.

Nhận bàn giao CX-8 2.5 Premium 1 cầu dùng cho bài đánh giá, tôi và bạn đồng hành khựng lại vài giây bởi kiểu dáng có phần giống mẫu CX-9. Ngôn ngữ thiết kế Kodo, vốn được người dùng Việt đánh giá cao trên các dòng xe Mazda gần đây, mang đến sự hài hoà giữa những đường nét thời trang và gân nổi cơ bắp ở CX-8.

Mặt ca-lăng quen thuộc của Mazda tạo điểm nhấn cho CX-8. Lưới tản nhiệt kích thước lớn, bao quanh bởi đường viền crôm dày mang đến cảm giác khoẻ khoắn nhưng không thô kệch. Cụm đèn pha nhỏ, liền mạch với đường viền quanh lưới tản nhiệt, tích hợp đèn ban ngày, tô điểm thêm cho sự tinh tế và dễ nhận diện phía đầu xe. Trong các chi tiết nhỏ, cụm đèn nhận được đánh giá rất cao ở thiết kế ngoại thất CX-8.

Không chỉ mạnh yếu tố thẩm mỹ, cụm đèn LED tự động có khả năng điều chỉnh góc chiếu khi phát hiện luồng ánh sáng từ phía đối diện, tăng độ an toàn và văn minh khi chạy xe ban đêm. Đèn sương mù LED đặt ở hai góc cản trước như hột xoàn làm tăng vẻ sang trọng.

Được xem là người kế nhiệm của Mazda CX-9, CX-8 sở hữu chiều dài 4.900 mm, sử dụng la-zăng kích thước 19 inch và khoảng sáng gầm 200 mm làm tăng thêm vẻ bệ vệ. Trục cơ sở 2.930 mm của CX-8 dài hơn tất thảy đối thủ cạnh tranh, mang lại giá trị thực dụng ở không gian nội thất.

CX-8 sử dụng la-zăng kích thước 19 inch và khoảng sáng gầm 200 mm làm tăng thêm vẻ bệ vệ so với người anh em. Trục cơ sở 2.930 mm của CX-8 dài hơn tất thảy đối thủ cạnh tranh, mang lại giá trị thực dụng ở không gian nội thất.

Mở cánh cửa sau bên phụ, gương mặt cậu bạn đồng hành của tôi lộ rõ vẻ hài lòng. Có lẽ, với một người cao 1m75, nặng hơn 90 kg, hàng ghế hai rộng rãi, có cửa gió điều hoà chỉnh độc lập như CX-8 là đủ thoả mãn cho hành trình dài phía trước. Trong khi đó, tôi tập trung hơn vào những gì hãng xe bố trí ở khu vực điều khiển.

CX-8 thiết kế theo triết lý Human Centric, lấy người lái làm trung tâm, nên cách bố trí khu vực điều khiển đều dễ thao tác, trực quan. Vô-lăng bọc da dày đặc nút chức năng. Ngoài những thứ cơ bản như điều khiển hệ thống giải trí, nhận cuộc gọi, các hệ thống kiểm soát hành trình, phanh khoảng cách đều có thể thiết lập dễ dàng.

Bên tay trái táp-lô, các nút bấm cho hệ thống hỗ trợ như đỗ xe, camera 360 hay kích hoạt tính năng cân bằng điện tử đều có kích thước lớn, dễ quan sát và thao tác. Ở trên cửa bên lái, Mazda bố trí các phím bấm quen thuộc như chỉnh/gập gương điện, tuy nhiên gương không tự động gập khi tắt máy. Màn hình thông tin-giải trí 8 inch, nổi lên ở chính giữa táp-lô, sẽ cân đối hơn nếu kích thước khoảng 10 inch.

Đánh tầm mắt xuống thấp hơn, những trang bị khác bày ra như phanh tay điện tử, hỗ trợ giữ phanh tự động (Auto Hold), điều hoà 3 vùng độc lập, nhớ ghế lái 2 vị trí, sưởi ghế, bọc da Nappa hay loa Bose ở trụ A cho thấy hàm lượng công nghệ CX-8 sở hữu không thua kém gì những sản phẩm hạng sang. Mẫu xe 7 chỗ Mazda xua đi tính thực dụng của xe Nhật, với những trang bị có phần vượt trội so với nhiều đối thủ. Màn hình HUD cung cấp thông tin cảnh báo khoảng cách an toàn với với phương tiện khác, tốc độ, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn. Mọi thông tin cần thiết với người lái đều hiện diện trước mặt.

Đánh giá Mazda CX-8 tại Quảng Ninh
 
 

Sau những khám phá ban đầu về các tính năng, chúng tôi bắt đầu hành trình đi Hạ Long trên cao tốc Hà Nội – Quảng Ninh. Bấm nút khởi động, cỗ máy 2.5 lít rung nhẹ, sẵn sàng chinh phục cung đường phía trước. Để ra đến cao tốc, xe phải vượt qua thử thách ban đầu là mật độ giao thông dày đặc tại đô thị.

Với hàng loạt cảm biến va chạm quanh xe, âm thanh cảnh báo liên tục phát ra trong cabin mỗi khi có xe máy đi gần hay tạt đầu. Khi khoảng cách giữa xe và các phương tiện khác quá gần, hệ thống camera quan sát quanh xe tự động kích hoạt, giúp tài xế quan sát toàn bộ tình hình giao thông bên ngoài. Cùng với hệ thống cảnh báo điểm mù, tầm quan sát thoáng đặc trưng của xe gầm cao, người điều khiển có lẽ phải rất vụng về mới va chạm phương tiện khác.

Nhờ hệ thống giữ phanh tự động (Auto Hold), tôi không quá áp lực với việc chăm chăm vào chân phanh. CX-8 trang bị tính năng dừng chờ (i-Stop), giúp động cơ ngừng kích hoạt khi dừng đèn đỏ, để tối ưu nhiên liệu. Tuy nhiên, mỗi lần động cơ hoạt động trở lại có thể tạo ra đôi chút giật mình cho người ngồi trên xe. Tính năng này có thể ngừng kích hoạt thông qua nút bấm ở khu vực điều khiển.

Thoát khỏi những đông đúc phố thị, tôi và nhóm bạn bắt đầu trên cung đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. CX-8 sở hữu sức mạnh 188 mã lực từ cỗ máy 2.5 SkyActiv, phun xăng trực tiếp, mô-men xoắn cực đại 252 Nm, đi cùng hộp số tự động 6 cấp. Hai chế độ lái thiết lập sẵn theo xe Normal và Sport, lựa chọn thông qua nút gạt ở khu vực cần số.

Đạp lút ga khi qua trạm thu phí đầu cao tốc, kim đồng hồ vòng tua dựng ngược, tiếng máy dội vào cabin, thân xe hơn một tấn lao về phía trước đầy mãnh liệt. Hộp số 6 cấp được thiết lập chuyển số sớm ở vòng tua thấp, giúp xe tăng tốc mượt và ít độ trễ hơn so với hộp số CVT, từ đó tối ưu công suất và mô-men xoắn sinh ra.

Khi đạt ngưỡng giới hạn tốc độ cho phép 120 km/h, kích hoạt hệ thống kiểm soát hành trình để chân ga nghỉ ngơi. Hệ thống radar sẽ liên tục quét khoảng không gian phía trước để giám sát vùng an toàn, CX-8 trang bị điều khiển hành trình thích ứng. Phát hiện phương tiện phía trước xe tự giảm tốc độ, rơi vào khoảng an toàn, xe tự động đi chậm tương ứng. Nhàn tênh! Người lái chỉ tập trung giữ vô-lăng, nhưng chân vẫn chực chờ ở bàn đạp phanh, để phòng khi khẩn cấp.

Sự phối hợp giữa hệ thống điện tử và cơ khí tạo nên cảm giác thú vị. Xe phía trước thoát khỏi vùng an toàn của CX-8, radar truyền thông tin đến bộ điều khiển. Ngay lập tức, đồng hồ vòng tua máy nhảy dựng, động cơ hoạt động gắt gao đưa xe trở lại tốc độ đã định ban đầu. Khi bánh xe chém vạch kẻ đường trên cao tốc, vô-lăng có phản ứng nhất định và tự động điều chỉnh nhờ hệ thống giữ làn. Xung đột giữa người và xe xảy ra khi chuyển làn nhưng không kèm tín hiệu xi-nhan, vô-lăng có xu hướng trả ngược lái nhẹ.

Những trải nghiệm với các hệ thống điện tử trên xe chỉ người lái cảm nhận, trong khi nhóm bạn đồng hành tận hưởng sự tĩnh lặng và êm ái đã chìm vào giấc ngủ từ lâu. CX-8 cách âm tốt, hàng ghế thứ 2 có rèm che nắng tích hợp. Sau khoảng 2 giờ, chúng đã đến cây cầu Bài Thơ, vắt ngang bờ vịnh Hạ Long.

Chạy xe giữa một bên núi, một bên biển khiến tôi ao ước xe có thêm cửa sổ trời, để tận hưởng trọn vẹn cảm xúc lái thơ mộng. Tăng âm lượng bài hát “Whistle”, những âm thanh sôi động phát ra từ 10 loa Bose quanh xe khiến nhóm bạn đồng hành tỉnh giấc ngủ để cùng chiêm ngưỡng cảnh sắc bên ngoài. Ở hàng ghế cuối, anh bạn cao hơn 1m7 cũng tỉnh sau giấc ngủ từ Hà Nội. Nhờ trục cơ sở dài, không gian hàng ghế thứ 3 không hề tạo cảm giác gò bó cho người ngồi như các dòng crossover 5+2.

“CX-8 kìa” – một người tập thể dục nói với bạn khi xe dừng ở bảo tàng Quảng Ninh. Kiểu dáng, cùng màu đỏ nổi bật khiến mẫu SUV 7 chỗ của Mazda hút mắt những người đi đường. Trong khi với người lái, CX-8 mang đến nhiều trải nghiệm hơn vậy. Sự tiện lợi khi điều khiển, không gian cabin rộng, phù hợp với chuyến đi dài của cả gia đình là giá trị mang lại lớn hơn so với tính thẩm mỹ bên ngoài. CX-8 tại Việt Nam có 3 phiên bản, giá từ 1,149 tỷ đồng.

Kích thước: 4.900 x 1.840 x 1.730 (mm)
Động cơ: 2.5 SkyActiv thế hệ mới
Nội thất: Da Nappa cao cấp
An toàn: Gói công nghệ i-Activsense