Hôm qua, đại diện Intel Việt Nam đã xác nhận kể từ ngày 30/9 tới, quy mô nhân sự của công ty sẽ giảm rất mạnh. Kể từ tháng 10, Intel Việt Nam sẽ duy trì hoạt động chỉ với vài nhân sự còn lại. Việc này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu chung trên toàn cầu của cả tập đoàn, với hy vọng vượt qua giai đoạn khó khăn khi doanh số bán máy tính để bàn liên tục sụt giảm.
Trong thế kỷ 20 - kỷ nguyên của máy tính để bàn (PC), Intel và Microsoft là một cặp bài trùng. Người ta dùng thuật ngữ Wintel để chỉ sự thống trị của hệ điều hành Windows (Microsoft) và chip x86 (Intel) trong các máy tính thời đó.
Nhưng ngày nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Doanh số bán PC và laptop toàn cầu chạm đỉnh 365 triệu chiếc cách đây 5 năm, và giảm xuống còn 289 triệu chiếc năm 2015. Trong khi đó, doanh số bán máy tính bảng và smartphone lại tăng vọt lên 1,7 tỷ chiếc năm ngoái.
Microsoft và Intel đều nhận thấy sự suy giảm này và tìm biện pháp thích nghi. Cổ phiếu cả hai công ty đều không tăng trưởng trong một thập kỷ sau bong bóng dotcom. Cả hai đều mất nhiều thời gian đi tìm chỗ đứng trong mảng smartphone, đều thay CEO trong 3 năm qua và cam kết nâng cấp hoạt động kinh doanh để tìm động cơ tăng trưởng trong tương lai.
Nhưng nếu nhìn vào thành quả, sự chuyển dịch tại Microsoft đang thành công hơn. Dưới thời CEO Satya Nadella, Microsoft đang thực hiện cuộc tái cấu trúc rất mạnh tay, sa thải hàng nghìn nhân viên năm ngoái, tái định vị công ty trong các thị trường đang tăng trưởng nhanh, như điện toán đám mây. Việc này đã giúp cổ phiếu Microsoft tăng 93% trong 3 năm, tính đến cuối tháng 4. Cùng thời gian đó, cổ phiếu Intel chỉ tăng 47%, thấp hơn mức tăng của Nasdaq Composite là 50%.
Việc này dĩ nhiên không có nghĩa Intel đang gặp rắc rối. Quý I, Intel đạt doanh thu 13,7 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Lợi nhuận cũng tăng 3% lên 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch của họ, từ một hãng sản xuất chip PC lâu đời và vẫn có lợi nhuận, sang các thị trường tiềm năng hơn có vẻ đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng của mọi người. Kế hoạch sa thải hàng loạt hồi tháng 4 của CEO Brian Krzanich là nhằm đẩy mạnh sự chuyển dịch này. Ông cho biết chiến lược này sẽ "cải tổ công ty của chúng tôi từ một hãng PC sang công ty phát triển điện toán đám mây và hàng tỷ thiết bị máy tính thông minh, có kết nối khác". Nói ngắn gọn, con đường Intel đang đi cũng như Microsoft.
Intel kỳ vọng tiết kiệm 570 triệu USD năm nay và 1,4 tỷ USD cho đến giữa năm 2017 nhờ việc cắt giảm nhân sự và các chi phí liên quan. Họ cũng đang lên kế hoạch đầu tư mạnh hơn vào các mảng kinh doanh đang tăng trưởng, như máy tính bảng có thể chuyển đổi thành laptop hay mảng game. Các trung tâm dữ liệu và kế hoạch Internet of Things (kết nối các thiết bị gia dụng bằng công nghệ) cũng sẽ được tăng cường.
Chip PC hiện vẫn đóng góp khoảng 60% doanh thu cho Intel. Krzanich cho biết PC còn nhiều lĩnh vực Intel vẫn tiếp tục tập trung hoạt động, như laptop cao cấp, PC chơi game và PC lai máy tính bảng. Năm ngoái, doanh số bán PC đã có dấu hiệu ổn định, không tăng trưởng nhưng cũng không giảm nhanh nữa. Nhưng 3 tháng đầu năm nay, số PC bán ra toàn cầu đã giảm gần 10%.
Lẽ ra, Intel đã có thể phát triển ra ngoài mảng chip PC sớm hơn. Microsoft từ một thập kỷ trước đã phản ứng khá nhanh, khi lấn sân mảng phần mềm doanh nghiệp và máy chủ, dọn đường để tiến vào mảng điện toán đám mây.
Intel thì ngược lại, họ đã bỏ qua cơ hội thiết kế chip cho iPhone đầu tiên của Apple, và còn đánh giá thấp tiềm năng của thị trường smartphone. Ngày cuối cùng đảm nhận cương vị giám đốc điều hành Intel (tháng 5/2013), cựu CEO Intel - Paul Otellini đã thú nhận với The Atlantic rằng: "Thế giới có thể đã thay đổi nếu như chúng tôi nhận lời hợp tác với Apple trong việc cung cấp vi xử lý cho iPhone. Tuy nhiên, chúng tôi lo sợ, bởi mức giá sản xuất thấp hơn kỳ vọng và Intel không thể sản xuất số lượng lớn. Hơn hết, chúng tôi cũng không thể biết trước được rằng iPhone sẽ thành công đến như vậy".
Intel đã cố gắng sửa sai sau đó bằng một loạt dòng chip cho điện thoại di động. Tuy nhiên, vì là "lính mới", hãng chưa làm được gì nhiều. Kiến trúc chip x86 bị chỉ trích vì quá ngốn điện, trong khi dòng Atom sau đó tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa thể so sánh với dòng A của Apple, Snapdragon của Qualcomm, thậm chí là Exynos của Samsung… Bên cạnh đó, động thái của Intel còn được cho là đã quá muộn, khi thị trường smartphone cũng đang bắt đầu bão hòa.
Dưới thời Krzanich, Intel đã cố gắng định vị mình trong các thị trường có nhiều tiềm năng trong tương lai. Mảng trung tâm dữ liệu của họ có doanh thu quý I tăng 9% lên 4 tỷ USD, trong khi mảng Internet of Things tăng 22% lên 651 triệu USD. Năm ngoái, Intel còn chi 16,7 tỷ USD mua Altera để giữ vững vị trí trong mảng chip có khả năng lập trình (programmable chip). Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 4, Krzanich cũng cho biết Intel có thể thâu tóm nhiều hơn nữa để mở rộng ra ngoài mảng PC.
Thông báo sa thải hàng loạt của Intel cũng khiến giới phân tích tranh cãi về việc liệu họ có chọn nhầm thời điểm hay không. Hãng dịch vụ tài chính Stifel Nicolaus thì cho rằng "việc điều chỉnh nhân sự này đã quá muộn". Báo cáo khác từ MKM Partners thì khẳng định nó có thể làm tăng lợi nhuận mảng chip PC và giúp Intel có nhiều tiền rảnh rỗi đầu tư vào các lĩnh vực mới hơn. Bernstein thì cho biết đây là “nền móng đẩy công ty này tiếp tục trượt dốc”.
Trong quý II, lợi nhuận của Intel giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,4 tỷ USD, chủ yếu do kế hoạch sa thải hàng loạt khiến hãng tiêu tốn 1,4 tỷ USD. Doanh thu tăng 2,6% lên 13,53 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh thu mảng trung tâm dữ liệu và Internet of Things đều không đạt kỳ vọng của giới phân tích, với lần lượt 4,03 tỷ USD và 572 triệu USD. Đây là hai mảng được Krzanich coi là động cơ tăng trưởng chính cho công ty.
Dù vậy, những người lạc quan vẫn tin vào quan điểm sẵn sàng thay người của Krzanich. Một số lãnh đạo cấp cao lâu năm của Intel đã rời công ty trong năm nay, sau khi Krzanich mang về Murthy Renduchintala và chỉ định ông làm chủ tịch mảng Internet of Things. Renduchintala từng điều hành mảng chip của Qualcomm.
Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy việc kinh doanh của Intel đang dần khởi sắc. Giữa tháng này, họ đã nâng dự báo lợi nhuận quý lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Nguyên nhân là nhu cầu PC được cải thiện, khiến các nhà cung cấp linh kiện cũng tăng mua.
Intel dự báo doanh thu quý III này có thể đạt 15,6 tỷ USD, cao hơn so với dự báo trước là 14,9 tỷ USD. Đây cũng sẽ là doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của Intel, theo số liệu của Thomson Reuters. Cổ phiếu của hãng nửa năm qua cũng đã tăng 20%.
Hà Thu (theo Time/WSJ)