Kể từ tháng 7, nhiều quốc gia Đông Nam Á đón làn sóng Covid-19 thứ hai. Trong khi một số nước đã dần kiểm soát được tình hình, số ca tử vong của Indonesia vẫn tăng không ngừng. Đây cũng là nơi có nhiều nhân viên y tế chết vì nCoV nhất trong khu vực. Điều này làm dấy lên lo ngại về sức chống chịu lâu dài của hệ thống y tế quốc gia.
Tính đến ngày 10/9, Indonesia ghi nhận hơn 203.000 ca nhiễm nCoV, cao thứ hai ở Đông Nam Á. Số người chết là khoảng 8.300, chỉ xếp sau Ấn Độ trong khu vực châu Á.
Đến nay, hơn 200 nhân viên y tế đã tử vong vì mắc Covid-19, gồm 107 bác sĩ và 74 y tá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Indonesia cũng là một trong những nước có số bác sĩ bình quân đầu người thấp nhất Đông Nam Á, chỉ 4,27/10.000 dân.
Tương tự với thế giới thời kỳ đỉnh dịch, nhân viên y tế đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân, thời gian làm việc kéo dài và thiếu nguồn cung đồ bảo hộ cá nhân.
Dù chính phủ đã khẩn trương bổ sung các thiết bị sau khi bệnh viện ghi nhận hình ảnh bác sĩ mặc áo mưa chống dịch, nhiều vấn đề khác còn tồn đọng, chưa được giải quyết.
Theo tiến sĩ Halik Malik, phát ngôn viên Hiệp hội Y tế Indonesia, cả bệnh nhân thông thường và mắc Covid-19 đều được tiếp nhận tại cùng một cơ sở y tế. Tuy nhiên, chỉ những bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh cho người nhiễm nCoV mới được xét nghiệm nCoV. Kết quả chẩn đoán cũng thường quá muộn.
"Chúng tôi lo ngại nếu các trường hợp dương tính trong cộng đồng tiếp tục tăng, sẽ có những ca không được xử lý đúng cách", ông Malik nói.
Nurul Nadia, chuyên gia y tế cộng đồng từ Trung tâm Sáng kiến Phát triển Chiến lược Indonesia, nhận định lượng bác sĩ tử vong trong đại dịch sẽ ảnh hưởng lâu dài đến lực lượng của cả nước nói chung.
"Hệ thống y tế của chúng ta còn yếu kém. Số nhân viên y tế không đủ, bác sĩ chuyên khoa rất ít, nhiều người đã trở thành nạn nhân của Covid-19", bà nói.
Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn tại quốc đảo rộng lớn với hơn 270 triệu dân.
Theo WHO, tính riêng tháng 8, Indonesia ghi nhận hơn 66.400 trường hợp dương tính, tăng 28% so với tháng 7. Phần đông bệnh nhân sinh sống tại Jakarta và Java. Một số khu vực khác trở thành điểm nóng mới, số ca nghi nhiễm cao hơn đáng kể bởi tỷ lệ xét nghiệm của nước này thấp nhất thế giới.
Bất chấp thực tế đó, các doanh nghiệp trên toàn quốc vẫn mở cửa trở lại. Thành phố Bali bắt đầu đón khách du lịch trong nước vào ngày 9/7. Theo Giám đốc Cơ quan Du lịch, ít nhất 78.000 du khách nội địa đã ghé thăm đảo Putu Astawa cho đến nay.
Lượng ca bệnh tăng đột biến, các bệnh viện hoạt động hết công suất, nhiều nơi quá tải. WHO cho biết hiện 70% giường bệnh trên cả nước đã kín chỗ. Điều này làm dấy lên lo ngại về năng lực đối phó của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới, khi các trường hợp mắc mới tiếp tục gia tăng.
Nhân viên y tế bị bủa vây bởi hàng loạt gánh nặng khác, trong khi không có số liệu thống kê. Tiến sĩ Irman Pahlepi, bác sĩ tại một cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết anh và các đồng nghiệp phải làm việc nhiều giờ mà chẳng được tư vấn tâm lý. Nỗi sợ phơi nhiễm khiến các y bác sĩ rời xa gia đình, chọn ở tạm trong khách sạn do chính phủ cung cấp.
Bản thân Pahlepi đã cách ly với người vợ mới cưới 5 tháng vì sợ lây nhiễm cho cô. Gần đây, khi biết vợ mình mang thai, anh quyết định trở về nhà để tiện chăm sóc trong tâm lý e ngại.
"Càng ngày tôi càng thấy sợ, và buồn bã nữa. Tôi còn nhớ gia đình hơn cả khi sống xa họ. Nhỡ chúng tôi đều nhiễm bệnh thì sao?", anh nói.
Các nhân viên y tế cũng phải đối mặt với khó khăn chất chồng về kinh tế. Đến nay, khoảng 330 y tá tại các bệnh viện, cả công lập và tư nhân, đã bị cắt giảm lương và không được nhận bất kỳ khoản thưởng ngày lễ nào, theo báo cáo của Tổ chức Phúc lợi Quốc tế.
Tuần trước, chính phủ Indonesia công bố một bản kế hoạch nhằm giảm bớt gánh nặng cho y bác sĩ. Phương pháp là luân chuyển các bệnh nhân để tạo thêm không gian, điều chỉnh khối lượng công việc để giảm thời gian tiếp xúc với người nhiễm nCoV, cung cấp chất bổ sung dinh dưỡng.
Người phát ngôn lực lượng chuyên trách Covid-19, ông Wiku Adisasmito, bày tỏ: "Chúng tôi vô cùng tiếc thương những nhân viên y tế anh hùng, những người chiến binh làm việc trên tuyến đầu, đã qua đời trong khi điều trị Covid-19".
Thục Linh (Theo AP)