4 quan chức Indonesia hôm nay cho hay giới chức Mỹ đã nhiều lần đưa ra đề xuất ở "cấp cao" trong tháng 7 và tháng 8 với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Indonesia về việc để trinh sát cơ P-8 Poseidon dừng chân tiếp nhiên liệu ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau đó đã bác bỏ đề xuất.
Đại diện của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Các quan chức cho biết đề xuất cho phép P-8 Poseidon hạ cánh của phía Mỹ đã khiến chính phủ Indonesia ngạc nhiên, bởi Jakarta từ lâu theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập. Indonesia chưa bao giờ cho phép quân đội nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Máy bay tuần thám P-8 đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của hải quân Mỹ nhằm theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn khu vực, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Retno từng tuyên bố Indonesia không muốn đứng về bên nào trong cạnh tranh Mỹ - Trung và lo lắng trước căng thẳng ngày càng tăng giữa hai siêu cường, cũng như việc quân sự hóa ở Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ đầu tư và phát triển kinh tế giữa Indonesia và Trung Quốc đang gia tăng.
"Chúng tôi không muốn mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh này", Retno nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9. "Indonesia muốn cho tất cả thấy rằng chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác của các bạn".
Greg Poling, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, cho rằng việc đề xuất để trinh sát cơ P-8 hạ cánh tại Indonesia cho thấy chính sách đối ngoại "vụng về" của Mỹ. "Nó thể hiện các quan chức chính phủ Mỹ hiểu Indonesia ít đến mức nào", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)