Các tình nguyện viên Indonesia hôm 1/10 dùng máy xúc đào một hố chôn tập thể với chỉ dẫn chuẩn bị cho 1.300 nạn nhân trong lúc Liên Hợp Quốc cảnh báo khoảng 191.000 người nữa đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, theo AFP.
Nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch bệnh do xác chết phân hủy. Ba xe tải chở thi thể bọc trong túi màu cam, vàng và đen được đưa tới hố chôn ở Poboya - vùng đồi núi ngoại ô thành phố Palu. Từng người một được đặt vào trong mộ, trong lúc cần cẩu xúc đất đổ lên.
4 ngày sau thảm họa hôm 28/9, một số khu vực hẻo lánh vẫn khó tiếp cận. Thuốc men cạn kiệt, nhân viên cứu hộ chật vật bởi thiếu trang thiết bị hạng nặng khi cố gắng đào bới tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát.
Balaroa, vùng ngoại ô Palu từng là khu phức hợp chung cư rộng lớn, nay chỉ còn là vùng hoang tàn đầy cây cối gãy đổ, mảnh vỡ bê tông, kim loại xoắn vào nhau, khung cửa và đồ nội thất rải rác.
Adi, một người sống sót, đang ôm vợ bên bờ biển khi sóng thần ập tới hôm 28/9. Giờ anh không biết chị ở đâu, còn sống hay không.
"Khi sóng thần ập tới, tôi để tuột cô ấy", Adi cho biết. "Tôi bị cuốn ra xa khoảng 50 mét, không giữ nổi cái gì".
Những người khác tập trung tìm kiếm xác người thân quanh những khu nhà xác mở, nơi người chết nằm dưới ánh mặt trời thiêu đốt - đợi để được xác minh nhân thân. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tìm cách đoàn tụ các gia đình bị chia tách do thảm họa và cung cấp "khám nghiệm pháp y" để xác minh nạn nhân.
Đài truyền hình Metro của Indonesia phát đi cảnh quay ở Petobo, vùng ngoại ô phía nam Palu, nơi chính phủ ước tính có tới 700 người thiệt mạng và đa số 1.747 ngôi nhà bị phá hủy.
"Chúng tôi không biết bao nhiêu người thương vong ở khu này", Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia cho hay.
Chính phủ Indonesia tuyên bố chi khẩn cấp 37 triệu USD ứng cứu thảm họa, lập bếp dã chiến cung cấp 3.600 suất ăn mỗi ngày cho người dân vùng thảm họa, đồng thời kêu gọi quốc tế cứu viện.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, những người sống sót tuyệt vọng biến thành cướp bóc khi hôi của tại các cửa hàng, lấy đi nhu yếu phẩm như nước, nhiên liệu, thực phẩm, trong lúc cảnh sát đứng nhìn, không muốn hoặc không thể can thiệp.
"Chính phủ, Tổng thống đã tới đây, nhưng điều chúng tôi thực sự cần lúc này là nước và lương thực", Burhanuddin Aid Masse, 48 tuổi, nói.
Yenni Suryani, chuyên gia của Tổ chức Cứu trợ Công giáo cho hay cơ sở hạ tầng bị hư hỏng đang cản trở nỗ lực cứu hộ. "Các nhóm nhân đạo đang vật lộn để đưa mọi người khỏi những vùng bị ảnh hưởng", bà cho biết.
Indonesia có dân số 260 triệu người, là một trong những quốc gia dễ gặp thiên tai nhất thế giới. Đất nước này nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm và là nơi xảy ra nhiều vụ phun trào và động đất nhất thế giới. Trận động đất lớn năm 2004 đã kích hoạt sóng thần khiến 220.000 người thiệt mạng trong khu vực, trong đó Indonesia là 168.000 người.
Trận động đất 7,5 độ cùng sóng thần cao 6 mét tấn công tỉnh Sulawesi hôm 28/9. Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP) ngày 1/10 đưa ra số người thiệt mạng trong động đất, sóng thần đã tăng lên 1.200 người song lưu ý đây là con số "không chính thức", bao gồm hàng trăm người được cho là thiệt mạng trong hai khu phức hợp ở Petobo, tỉnh Trung Sulawesi. Số người thiệt mạng chính thức hiện là 844.
Trong số hàng nghìn người sống sót đang chuẩn bị cho một đêm khác ngủ ngoài trời ở Palu, Masse chỉ ra nỗi lo lắng khác ngoài thiếu thốn thực phẩm, nước, và người thân mất tích, đó là thiếu điện.
"Mọi người ai cũng sợ hãi", Masse nói. "Nếu có chút ánh sáng nào đó, có lẽ sẽ bớt sợ hơn".