Lực lượng được hải quân Indonesia triển khai tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala mất tích gồm tàu thăm dò thủy văn KRI Rigel, tàu hộ vệ hạng nhẹ Fatahillah, Bung Tomo và tàu hộ vệ săn ngầm Teuku Umar. Một số nguồn tin giấu tên cho biết hai tàu ngầm, nhiều máy bay và tàu thăm dò thủy văn Spica cũng có mặt tại hiện trường.
"Chúng tôi, những người lính hải quân, mong người dân cả nước cầu nguyện để chúng tôi có thể tìm thấy họ trong thời gian sớm nhất", Julius Widjojono, phát ngôn viên hải quân Indonesia, cho hay. Julius trước đó nói rằng trên tàu có lượng oxy dự trữ và thủy thủ đoàn vẫn có thể sống sót nếu thao tác đúng.
Phát ngôn viên này cho hay họ vẫn chưa xác định được vị trí của chiếc tàu ngầm mất tích cũng như tình trạng của 53 thủy thủ trên tàu. "Chúng tôi mới chỉ phát hiện khu vực tàu ngầm biến mất. Hôm nay, khoảng 400 người đã được triển khai tìm kiếm", Julius nói. "Chúng tôi biết rõ vùng biển này, nhưng nó khá sâu".
Quân đội Indonesia cũng đã phát tín hiệu khẩn cấp tới Văn phòng Liên lạc Cứu hộ Tàu ngầm Quốc tế (ISMERLO) và đã nhận được phản hồi từ hải quân Singapore, Australia, Ấn Độ, cam kết sẽ hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Mỹ, Pháp và Đức cũng đã đề nghị giúp đỡ.
Sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ phía Indonesia, Singapore đã điều tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue tới hỗ trợ tìm kiếm theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước. Tàu Swift Rescue được trang bị phương tiện lặn sâu có khả năng cứu thủy thủ đoàn của các tàu ngầm gặp nạn. Malaysia cũng sẽ triển khai tàu cứu hộ và có thể đến hiện trường trong những ngày tới.
"Chúng tôi rất lo lắng khi nhận được thông tin. Thân nhân các thủy thủ và cả hải quân Indonesia chắc hẳn đang rất căng thẳng", Ngoại trưởng Australia Marise Payne nói hôm nay. "Chúng tôi đã thông báo với họ rằng Australia sẽ giúp đỡ hết mình".
Tàu ngầm KRI Nanggala chở 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển tiến hành cuộc diễn tập phóng ngư lôi trên eo biển Bali nằm giữa đảo Java và Bali. Sau khi lặn xuống biển, con tàu mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30.
Hải quân Indonesia cho biết có khả năng một vụ mất điện toàn tàu đã xảy ra khi lặn, khiến tàu ngầm mất điều khiển và thủy thủ đoàn không thể triển khai quy trình khẩn cấp. Con tàu dường như đã chìm xuống độ sâu khoảng 600-700 m, trong khi chỉ có thể chịu được áp lực ở độ sâu khoảng 250 m.
Quá trình tìm kiếm KRI Nanggala bước sang ngày thứ hai sau khi lực lượng cứu hộ phát hiện vệt dầu loang tại khu vực gần nơi tàu ngầm lặn. Vệt dầu loang có thể cho thấy bồn nhiên liệu của tàu ngầm bị hư hại, hoặc nó được thủy thủ đoàn giải phóng ra khỏi tàu như một tín hiệu cầu cứu.
KRI Nanggala mất tích khi diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển phía bắc đảo Bali hôm 21/4. Nó thuộc lớp tàu ngầm diesel-điện Type 209, được Đức khởi đóng năm 1977 và đưa vào biên chế hải quân Indonesia năm 1981. KRI Nanggala từng được tân trang tại Hàn Quốc và trở lại hoạt động năm 2012.
Vũ Anh (Theo Jane's)