"Bằng một cách nào đó, nền ẩm thực đầy màu sắc và hấp dẫn, giới chính trị nhiều tranh chấp và cuốn hút, những nhà ngoại giao và nhà văn nhiệt huyết, cùng những lãnh đạo năng động và gây tranh cãi của Indonesia chưa bao giờ thực sự được thế giới chú ý", học giả Richard Heydarian, tác giả những cuốn sách về chính trị châu Á, nhận xét.
Sukarno, người lãnh đạo Indonesia giành độc lập từ Hà Lan năm 1945 và cũng là tổng thống đầu tiên, từng giúp đất nước nhận được sự quan tâm khi đóng vai trò quan trọng trong sự thành lập Phong trào Không Liên kết toàn cầu. Là một người nhìn xa trông rộng, Sukarno đã đấu tranh không mệt mỏi để thống nhất một quần đảo giờ đây là nơi sinh sống của gần 300 triệu dân.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính năm 1965, cái gọi là Trật tự Mới đã được thiết lập. Indonesia rơi vào sự kiểm soát của cựu tướng Suharto trong ba thập kỷ, giai đoạn mà nền kinh tế và chính trị đất nước khá ổn định. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng đầy khó khăn nhưng nhiều màu sắc hơn, Indonesia bỗng trở nên nhạt nhòa.
Từ những năm 1970, lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu và cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã trở thành biểu tượng của một Đông Nam Á quyết đoán, tự tin. Trong khi đó, lãnh đạo độc tài Philippines Ferdinand Marcos và đệ nhất phu nhân sống xa hoa của ông trở thành đề tài yêu thích của truyền thông quốc tế.
"Đông Nam Á là một lời nhắc nhở đắt giá rằng tầm quan trọng của một quốc gia và sự chú ý họ nhận được là những vấn đề riêng biệt", Donald Emmerson, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Stanford của Mỹ, đánh giá vào cuối những năm 1980.
Bước sang thế kỷ mới, sau khi B.J. Habibie kế nhiệm ghế tổng thống của Suharto, những cải cách chính trị và mở cửa dân chủ đã giúp Indonesia trở thành đất nước sôi động hơn, ngừng chiếm đóng Đông Timor, đồng thời chấm dứt học thuyết "chức năng kép", hệ thống thể chế hóa vai trò của quân đội trong chính trị dưới thời Suharto.
Chương trình cải cách chính trị tại Indonesia đạt tới đỉnh cao, mà học giả Heydarian cho rằng từng tưởng như không thể xảy ra, dưới thời tướng về hưu Susilo Bambang Yudhoyono. Năm 2004, ông trở thành tổng thống Indonesia đầu tiên được bầu cử trực tiếp.
Indonesia cũng đạt được điều mà hai nước láng giềng Thái Lan và Myanmar đã nhiều lần thất bại, khi Yudhoyono biến một quân đội được chính trị hóa sâu sắc thành lực lượng chuyên nghiệp. Thêm vào đó, tiến bộ của quá trình dân chủ hóa không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giúp đưa Indonesia vào nhóm các nền kinh tế lớn G20.
Đến năm 2014, một phong trào quần chúng mạnh mẽ, với sự hỗ trợ của tầng lớp trung lưu cấp tiến trẻ tuổi, đã đưa Joko Widodo, cựu thị trưởng một thị trấn nhỏ, trở thành tổng thống được bầu trực tiếp thứ hai của Indonesia.
Bất chấp những quyết định của Widodo khiến các cử tri ủng hộ ông thất vọng, như tán thành cuộc chiến chống ma túy bị coi là quá mạnh tay, ủng hộ những nhóm tôn giáo theo chủ nghĩa chính thống, hay bổ nhiệm quá nhiều tướng lĩnh giám sát phản ứng với Covid-19, nền kinh tế - xã hội của Indonesia vẫn phát triển năng động.
Tầng lớp trung lưu của Indonesia không chỉ đang tăng lên mà còn được giáo dục tốt hơn, tạo ra một thế hệ mới gồm những nhà văn đẳng cấp thế giới, như Eka Kurniawan, và doanh nhân nổi tiếng như nhà sáng lập Gojek Nadiem Makarim.
Luhut Pandjaitan, "cánh tay phải" của Tổng thống Widodo, đang điều phối một chương trình phát triển quốc gia bao gồm dự án xây dựng thủ đô mới trị giá 31 tỷ USD, cùng một trung tâm sản xuất pin ô tô điện nhằm phục vụ khu vực, tạo đà để Indonesia chuyển mình từ quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên sang nền kinh tế tri thức. Một điểm quan trọng là Widodo cũng tìm cách tăng trưởng kinh tế bao quát hơn.
"Tới năm 2050, Indonesia sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, tạo điều kiện để đất nước đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trên trường quốc tế", Heydarian cho biết.
Học giả này còn chỉ ra rằng "át chủ bài" chiến lược của Indonesia là đội ngũ nhà ngoại giao đầy khéo léo. Trong số họ, cựu ngoại trưởng Marty Natalegawa không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, mà còn đóng góp cho quá trình hình thành trật tự ổn định và bao quát tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Indonesia còn có đại sứ kỳ cựu Dino Djalal, người góp phần vào sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Jakarta với phương Tây. Đích thân ông đã thành lập Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia, tổ chức phi chính phủ tập trung vào chính sách đối ngoại lớn nhất thế giới.
Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia hiện nay, cũng ngày càng giúp đất nước ghi dấu ấn đáng kể với toàn cầu, bao gồm việc tham gia trực tiếp vào những cuộc đàm phán tiến trình hòa bình trong xung đột Israel - Palestine hay tại Afghanistan, và gần đây nhất là hậu đảo chính Myanmar.
Vào những năm 1950, Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ lúc đó, từng xếp các quốc gia Đông Nam Á vào "loại C" trong chính sách đối ngoại. "Nhưng hơn nửa thế kỷ sau, rất ít cường quốc, kể cả Ấn Độ, dám bỏ qua Đông Nam Á", Heydarian đánh giá.
"Dù chưa nhận được sự công nhận toàn cầu mà họ xứng đáng, bất chấp nhiều thập kỷ mở cửa dân chủ và tăng trưởng kinh tế bền vững, Indonesia sẽ trở thành trụ cột trong việc định hình trật tự tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa", học giả dự đoán.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)