Trong chuyến thăm kể từ ngày 11/4, Phó chủ tịch IFC phụ trách châu Á – Thái Bình Dương Alfonso Garcia Mora sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam để thảo luận cách thức mà tổ chức này có thể hỗ trợ tốt nhất cho quá trình hồi phục kinh tế sau Covid-19. Điều này hướng đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh và đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có mức phát triển cao hơn vào năm 2045. Ông Thomas Jacobs, người vừa được bổ nhiệm vị trí giám đốc IFC phụ trách 3 nước khu vực Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia cũng tham gia chuyến đi này.
Việt Nam đã đặt mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Ông Garcia Mora cho rằng, khi đại dịch Covid-19 làm cạn kiệt dần các nguồn lực công, khu vực tư nhân sẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng carbon thấp nếu như được hỗ trợ bởi các các chính sách và điều kiện phù hợp.
Lãnh đạo IFC cũng sẽ gặp các doanh nghiệp để tìm hiểu sâu hơn về những thách thức mà khu vực tư nhân đang phải đối mặt và cách thức IFC có thể thúc đẩy khu vực này trở nên cạnh tranh, đổi mới, đủ khả năng dẫn dắt quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam.
"IFC cam kết hỗ trợ Việt Nam tận dụng tiềm lực đầu tư của khu vực tư nhân để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu thông qua tài trợ trực tiếp và thúc đẩy đầu tư dài hạn hơn của khu vực tư nhân vào các dự án xanh", ông Garcia Mora nói. Điều này sẽ giúp Việt Nam tái thiết tốt, xanh hơn, tái tạo sức mạnh cho khu vực kinh tế tư nhân và xây dựng bền vững cho tương lai.
IFC là thành viên của nhóm World Bank. Tổ chức này đã hoạt động trên 20 năm ở Việt Nam. Tính đến 30/6/2021, danh mục đầu tư IFC tại Việt Nam đạt gần 1,9 tỷ USD (bao gồm cả phần vốn huy động). Theo ước tính của IFC, với việc Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế thích ứng với khí hậu và carbon thấp, tiềm năng đầu tư về khí hậu của Việt Nam lên tới 753 tỷ USD tính tới 2030.
Đức Minh