Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như chúng ta đang tiến bộ: các chứng chỉ quốc tế như IELTS ngày càng phổ biến.
Nhưng đằng sau lớp vỏ ấy là nhiều học sinh trong một hệ thống coi trọng điểm số hơn là sự hiểu biết, đề cao sự lặp lại hơn là tư duy, và tôn vinh thành tích hơn là sự trưởng thành.
Vấn đề không chỉ nằm ở học thuật, nó là câu chuyện của con người. Và nó bắt đầu từ cách chúng ta dạy, và cách chúng ta bất ngờ chuyển hướng với trẻ. Những năm đầu, trường học khuyến khích học qua chơi, khám phá nhẹ nhàng và áp lực học tập rất thấp.
Nhưng đến khi các em vào cấp hai, mọi thứ thay đổi đột ngột. Nhịp điệu bị thay bằng kỷ luật. Ngôn ngữ trong giáo dục trở thành các kỳ thi, xếp hạng, và áp lực. Học sinh được kỳ vọng phải biết tự học, biết quản lý thời gian, biết tư duy phản biện, nhưng lại chưa từng được ai dạy cách làm điều đó.
Sự đứt gãy ấy thể hiện rõ rệt trong việc học tiếng Anh. Ở tiểu học, tiếng Anh rất vui: bài hát, từ vựng, màu sắc, và các cụm từ đơn giản. Nhưng đến lớp 6, học sinh bị ném vào thế giới của ngữ pháp, bài viết phức tạp, và đọc hiểu trừu tượng. Vấn đề không nằm ở độ khó (dù nó khó thật sự), mà là ở việc chuyển giao quá gấp gáp. Nhiều em từng rất hào hứng giờ bỗng lặng thinh. Các em cảm thấy mình kém cỏi không phải vì không thể học, mà vì chưa bao giờ được chuẩn bị.
Chúng ta muốn dạy như người phương Tây, khuyến khích sáng tạo và tư duy mở nhưng lại nuôi con theo cách nuông chiều cảm xúc đặc trưng của nhiều gia đình châu Á.
Chúng ta không biết rằng: Ở các nước nói tiếng Anh, trẻ em được dạy tiếng mẹ đẻ rất bài bản từ sớm. Cuối mẫu giáo, trẻ đã phải nắm vững bảng chữ cái, các âm cơ bản và kỹ năng đọc đơn giản. Lớp 1 không phải là khởi đầu của việc biết chữ, mà là bước tiếp theo để xây nền vững chắc.
Trong khi đó, chúng ta lại xem lớp 1 như vạch xuất phát, với nhiều trẻ bước vào mà chưa hề tiếp xúc với việc đọc viết.
Kết quả là gì? Một vách đá dựng đứng nơi lẽ ra phải là con dốc thoải mái. Trẻ không hiểu vì sao mình đọc chậm hơn bạn. Các em bắt đầu nghĩ rằng mình yếu kém. Sự tự tin mong manh bắt đầu rạn nứt. Và người lớn thì không nhìn thấy điều đó vì quá mải mê với chương trình, quá tự hào về hệ thống, hoặc quá sợ để thừa nhận rằng nó có vấn đề.
Chúng ta tự thuyết phục rằng "sau này con sẽ biết thôi." Nhưng sự thật là: nếu không có sự đồng hành từ sớm và liên tục, đặc biệt với tiếng Việt, nhiều em sẽ không thể theo kịp. Điều đó dẫn đến một vấn đề sâu hơn. Trong cuộc đua dạy tiếng Anh sớm, nhiều gia đình bỏ quên tiếng mẹ đẻ. Họ nghĩ tiếng Việt sẽ "tự đến". Nhưng tiếng Việt không đơn giản như vậy, nó cần hiểu về dấu thanh, phụ âm ghép, và cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Nó không "đến tự nhiên". Nó cần được đầu tư nghiêm túc.
Thế là chúng ta thấy cảnh những đứa trẻ hát tiếng Anh, nhận diện chữ cái tiếng Anh, lặp lại cụm từ thuộc lòng. Phụ huynh tự hào, nhầm lẫn việc bắt chước là tài năng. Nhưng những đứa trẻ ấy lớn lên bị mắc kẹt giữa hai ngôn ngữ, không thực sự giỏi ở ngôn ngữ nào.
Khi chương trình học trở nên khó hơn, các em không còn dựa vào ghi nhớ được nữa. Ngữ pháp đòi hỏi tư duy logic. Viết luận đòi hỏi cấu trúc. Và đột nhiên, các em lạc lối, không chỉ trong môn học, mà cả trong khả năng diễn đạt bản thân.
Ngôn ngữ là nền tảng của tư duy. Ưu tiên tiếng Anh hơn tiếng Việt không làm trẻ giỏi hơn, nó làm mờ đi khả năng suy nghĩ rõ ràng. Và khi các em yếu ở cả hai ngôn ngữ, toàn bộ hành trình học tập bị ảnh hưởng. Dấu hiệu rất âm thầm: một đứa trẻ né tránh đọc sách, hoảng sợ khi phải viết, hoặc có vẻ thờ ơ trong khi thực chất đang bị choáng ngợp.
Việc ám ảnh với IELTS. Một kỳ thi vốn dành cho người lớn, để đánh giá khả năng học tập và làm việc ở nước ngoài, giờ đây được xem như "chìa khóa vàng" vào trường, công việc, và thậm chí là danh giá xã hội. Vì sao? Vì nhiều người không còn tin vào hệ thống giáo dục. Các kỳ thi tiếng Anh trong nước bị xem là lỗi thời. Đánh giá trên lớp thì thiếu đồng bộ. Và thế là, không những chỉ gia đình mà còn cả nhà trường tìm đến IELTS, một bài thi do nước ngoài thiết kế và sở hữu, như một thước đo giá trị.
IELTS được thiết kế để kiểm tra trình độ học thuật cao. Nhưng học sinh lại bị đẩy vào luyện thi khi chưa sẵn sàng. Bài thi yêu cầu lập luận logic, phân tích dữ liệu, và tư duy trừu tượng.
Trong khi đó, nhiều em vẫn còn đang loay hoay với kỹ năng đọc viết cơ bản bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy là các em tìm đến mẹo vặt: kỹ thuật nhớ, mẹo từ vựng, cách học thuộc. Ví dụ, để nhớ 5 nguyên âm tiếng Anh (a, e, i, o, u), các em được dạy từ tiếng Việt "uể oải", một từ chứa đủ 5 chữ cái đó. Nghe thì thông minh nhưng đó chỉ là mẹo. Đó không phải là sự hiểu biết. Đó là bề mặt được ngụy trang thành chiều sâu.
Và thế là, chúng ta tạo ra một thế hệ học sinh không thành thạo tiếng Anh, cũng không tự tin với tiếng Việt. Các em được huấn luyện để làm bài thi, chứ không phải để tư duy hay diễn đạt rõ ràng. Các em chạy theo band 6.5, 7.0, 8.0 và quên mất mục tiêu thực sự của ngôn ngữ: kết nối, đặt câu hỏi, và thấu hiểu.
Đây không phải là lời chỉ trích bài thi IELTS. Bài thi được thiết kế tốt, đúng mục đích. Thất bại là ở chỗ: Chúng ta dùng nó không như công cụ, mà như một sự thay thế cho tất cả những gì hệ thống giáo dục đáng ra phải cung cấp.
Nhưng mọi chuyện không nhất thiết phải như vậy. Giáo dục đúng nghĩa không phải là tạo ra những người đi thi, mà là nuôi dưỡng những con người biết tư duy, có đạo đức và biết kiên cường.
Chúng ta cần ngừng xem IELTS là một chiến lợi phẩm. Nó là công cụ và là một trong nhiều công cụ, không phải là tiêu chuẩn duy nhất để xác định tiềm năng của một đứa trẻ.
BP