Cả Hyundai và General Motors (GM) đều đang nỗ lực thúc đẩy dòng xe hơi có thể vận hành trên không, trong những thông báo cùng đưa ra hôm 14/6. Nếu thời điểm Hyundai đưa ra là 2025, thì hãng xe Mỹ nói rằng đến 2030 họ có thể thương mại hóa dịch vụ taxi bay.
Phi cơ không khí thải - phương tiện cất và hạ cánh giống trực thăng, chở người và hàng hóa - đang được phát triển bởi một số startup cũng như các hãng ôtô và hàng không nhưng đều phải đối mặt với hành trình dài kiếm được lợi nhuận.
Hyundai đang đi nhanh hơn dự kiến, theo Jose Munoz, giám đốc điều hành toàn cầu của hãng, trong buổi phỏng vấn hôm 14/6. Munoz, đồng thời là giám đốc điều hành của Hyundai Bắc Mỹ, từng nói rằng taxi bay nội thị có thể hoạt động tại các sân bay chính ở Mỹ tính đến hết 2028 và có thể sớm hơn. Thậm chí, dịch vụ này có thể diễn ra trước 2025.
"Chúng tôi coi thị trường này là một cơi hội tăng trưởng quan trọng", Munoz nói, thêm rằng ông "rất tự tin" về việc phát triển công nghệ. Hyundai đang phát triển taxi bay dùng pin, có thể chở được 5-6 người từ các trung tâm đô thị đông đúc tới các sân bay.
Các hãng ôtô khác cũng hành động tương tự, hoặc đơn thân, hoặc cùng các startup, gồm Toyota, Daimler và Geely.
Pamela Fletcher, phó chủ tịch đội sáng kiến toàn cầu của GM, nói: "2030 có thể là thời điểm thương mại hóa thực sự. Đó là một không gian rất mới. Có rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện về mặt quản lý cũng như về công nghệ". Vào tháng Một, GM từng ra mắt một chiếc Cadillac bay phiên bản concept.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley từng ước tính tổng nhu cầu của thị trường phương tiện bay đô thị có thể đạt một nghìn tỷ USD tính đến hết 2040 và 9 nghìn tỷ USD đến 2050.
Năm 2019, Hyundai - khi đó chỉ định Jaiwon Shin, một cựu kỹ sư NASA lãnh đạo chi nhánh phương tiện bay đô thị - cam kết khoản đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực này tính đến hết 2025. Munoz cũng nói Hyundai coi ôtô bay không chỉ phục vụ cho cư dân đô thị mà còn chuyên chở hàng hóa.
Mỹ Anh (theo Reuters)