Theo phân tích của bà Foote, các tranh cãi thương mại giữa các nước buôn bán với Mỹ là thường xuyên xảy ra. “Trong khi doanh nghiệp một số nước phàn nàn về những khó khăn khi làm ăn tại Mỹ thì các doanh nghiệp Mỹ cũng nghĩ họ bị đối xử không công bằng tại một nước nào đó… Thế nên, các vụ kiện bán phá giá thường xuyên xuất hiện“, bà Foote nói.
Riêng về vụ kiện bán phá giá tôm, theo nhận định của Chủ tịch USVTC, là rất phức tạp. Phía Mỹ không chỉ kiện Việt Nam mà còn kiện 5 nước khác xuất khẩu tôm. Trong trường hợp kết quả vụ kiện là một mức thuế bán phá giá, các nước bị kiện sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ đang bán được một lượng lớn tôm vào thị trường Mỹ. Điều này cũng là một mặt xấu của thương mại quốc tế. “Và vì thế, USVTC hy vọng kết quả sẽ là sự phán quyết công bằng”.
Cũng theo bà Foote, giải quyết tranh chấp thương mại là nhiệm vụ của các chính phủ và các vấn đề nảy sinh hoặc kêu ca giữa các bên là khó tránh khỏi. Đối với Việt Nam, trong khi Chính phủ cần nỗ lực gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để nhận được một địa vị pháp lý ngang bằng với các nước trong các tranh chấp, thì các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho việc xuất khẩu các mặt hàng mà Mỹ có nhu cầu lớn.
Theo một báo cáo vừa được USVTC công bố, với việc tiếp tục thực thi có hiệu quả Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), không chỉ kim ngạch buôn bán giữa hai nước sẽ tăng cao mà có thể vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam tới đây cũng được cải thiện.
Năm 2003, giá trị thương mại song phương Việt - Mỹ đạt gần 6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1,44 tỷ USD - nhưng theo Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) Adam Sitkoff, con số này thực tế sẽ cao hơn nếu xét theo nguồn gốc vốn FDI vào Việt Nam bởi vốn gián tiếp từ Mỹ là rất lớn. Ông Sitkoff và bà Foote đều chia sẻ quan điểm, thứ hạng Mỹ trong các nước có vốn FDI tại Việt Nam là 5 hoặc 6, chứ không phải 11 theo như công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thanh Xuân