- Lúc này, thái độ của phía Mỹ về vụ kiện tôm như thế nào, thưa ông?
- Cho tới bây giờ thì chưa thể biết được kết quả sẽ thay đổi theo hướng nào. Đợt thẩm tra vừa rồi, 3 doanh nghiệp đã hoàn tất tốt việc kiểm tra. Hy vọng rằng những số liệu do luật sư của mình cung cấp cho Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ đáp ứng được yêu cầu của họ. Và nếu DOC chấp thuận theo những thông số đó thì có khả năng thuế suất chính thức sẽ thấp hơn so với biên độ chống bán phá giá mà Mỹ đang áp cho tôm Việt Nam hiện nay (khoảng 60%).
Ngày 5/11 vừa qua DOC đã tổ chức một buổi họp điều trần để luật sư các bên có thể cung cấp thêm thông tin cũng như chứng cứ, nhằm tạo điều kiện cho luật sư lập luận để bảo vệ cho thân chủ.
- Đến khi nào Việt Nam mới biết được phán quyết cuối cùng?
- Ngày 29/11 tới, DOC sẽ đưa ra phát quyết cuối cùng. Dự kiến đầu tháng 12, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) mở một cuộc họp điều trần để xem xét mức độ tôm Việt Nam gây thiệt hại cho thị trường Mỹ và đi đến kết luận doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có bán phá giá vào thị trường Mỹ hay không. Quyết định cuối cùng vẫn là của DOC, xác định biên độ phá giá bao nhiêu cho các nước nhập khẩu tôm vào Mỹ. Trong trường hợp USITC khẳng định không gây thiệt hại thì Mỹ sẽ không ra lệnh chống bán phá giá. Nếu USITC khẳng định, tôm Việt Nam có gây thiệt hại thì rất khó khăn và DOC sẽ định ngày ban hành áp thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam, bắt đầu từ tháng 1/2005.
- Hiện hàng thủy sản của Việt Nam như tôm, cá basa đang giảm giá. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Thực tế hiện nay, số lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp ở Mỹ đã đủ cho mùa giáng sinh và Tết Dương lịch. Giả dụ nếu có thiếu thì cũng không thể nhập thêm vì thời gian đã cận kề. Điều này dẫn đến tốc độ mua bán thuỷ sản giữa hai bên chậm lại, giá thành có thể giảm hơn so với trước. Thực ra không riêng gì thị trường Mỹ mà kể cả các thị trường khác cũng đã kết thúc kỳ mua bán trong một năm. Khả năng về cung cầu bị chênh lệch, lượng hàng tồn kho của Mỹ bán ra chưa hết nên họ chưa thể mua.
Tuy nhiên vấn đề họ quan tâm nhiều nhất là phán quyết cuối cùng để xem mức thuế là bao nhiêu. Chính điều này đã tạo ra 2 tác động lớn đối với doanh nghiệp. Đối với nhà nhập khẩu, phải tính toán được khả năng mua vào là như thế nào. Còn phía nhà xuất khẩu cũng đang chờ xem thị trường sẽ đi theo hướng nào, đồng thời xem xét nước nào có nhiều lợi thế hơn để định hình lại thị trường.
Chắc chắn trong giai đoạn này, doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn từ quyết định chống bán phá giá. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm do vấn đề tâm lý. Do đó họ cũng không dám mua một cách ồ ạt, hoặc dự trữ, vì chưa xác định được mức thuế cố định.
- Tại sao các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam lại không thể tiêu thụ tốt ở trong thị trường nội địa?
- Các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa ở thị trường nội địa cũng còn mới. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tiến sâu vào việc chuẩn bị sản phẩm cho thị trường nội địa. Có thể Tết là một dịp tốt cho họ làm việc này. Tuy nhiên sản lượng đó không thể thay thế cho thị trường xuất khẩu được.
- Sau vụ kiện này, ông đánh giá thế nào về cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ của thủy sản Việt Nam?
- Vấn đề này khó mà nói trước được. Trên thị trường Mỹ, không chỉ có tôm Việt Nam, mức thuế của các nước cũng như của Việt Nam cũng chưa rõ.
Nếu chỉ căn cứ trên quyết định sơ bộ thì xét ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi hơn các nước khác như: Thái Lan, Ấn Độ. Nhưng xét theo một khía cạnh khác, về mức độ, lợi thế cạnh tranh như: kích cỡ, chủng loài, cách chế biến, khả năng thể hiện qua kênh phân phối của Việt Nam, thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng theo chiều hướng giảm. Còn ở những mức độ khác thì hoàn toàn phụ thuộc vào độ chênh lệch về thuế suất khác nhau giữa các nước.
Đây là một bài toán khó mà cho tới bây giờ chưa ai giải được, nhưng chắc chắn là việc tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam sẽ giảm ở một giai đoạn nhất định nào đó để tạo ra sự cân bằng cung cầu. Ví như các nước khác tập trung xuất khẩu tôm với kích cỡ nhỏ giá rẻ, nhưng đến một thời điểm nào đó thị trường khan hiếm các loại lớn như tôm sú thì lúc đó họ sẽ tiến hành quay trở lại với Việt Nam hoặc một số nước có khả năng cung ứng hàng.
- Theo ông doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị những gì?
- Chúng ta cần nhắm đến những mặt hàng không nằm trong diện bị điều tra như: tôm tẩm bột, tôm chế biến giá trị gia tăng... Đây cũng là những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm. Tuy nhiên họ cũng không thể định hình lại được trong thời gian ngắn, vì tác động vụ kiện có sức ép khá lớn đối với nhà xuất khẩu.
Vì vậy, doanh nghiệp phải tăng cường marketing vào thị trường Mỹ các sản phẩm cao cấp hơn, có hàm lượng chế biến tốt. Ví dụ trước đây Mỹ mua hàng về rồi chế biến, giờ họ cũng mua, nhưng phải mua với giá cao hơn trước vì không mất qua công đoạn chế biến.
Thùy Vinh thực hiện