Lúc đó ở trung tâm thành phố, đường Lê Duẩn không mấy đèn trang trí. Nhà thờ Đức Bà vẫn tối om cửa đóng then cài vì trùng tu chưa xong. Những hàng quán tôi ghé vào, ngỡ sẽ rất đông, cũng chỉ lác đác vài ba nhóm. Bác tài xế chở chúng tôi đi than thở, những ngày lễ cuối năm nay vắng khách hơn hẳn các năm trước đại dịch.
Nhưng đêm cuối năm, thành phố rực rỡ và náo nhiệt trở lại với dòng người xuống đường chờ đón lễ hội countdown. Năm mới đã đến. Pháo hoa đì đùng và tiếng cụng ly đó đây lách cách - những thứ gợi tôi nhớ đến lời ca Happy New Year.
Khúc hát có giai điệu cuốn hút và thường được nghe vào lễ hội mừng năm mới đó, lại chứa những ca từ đầy u ám.
Happy New Year được sáng tác vào những ngày cuối thập niên 1970 - một thập niên với bao chết chóc do chiến tranh, căng thẳng chính trị và các cuộc chạy đua vũ trang trên quy mô toàn cầu.
Những năm đầu thập niên 2020, dường như lịch sử lặp lại sau nửa thế kỷ. Dịch bệnh lấy đi sự sống của hàng triệu người, làm tê liệt nhiều nền kinh tế. Xung đột quân sự - chính trị đang đẩy thế giới mong manh lún sâu thêm vào bất an. Lời bài hát khá gần gũi với tình cảnh thế giới những năm qua, đặc biệt là 2022. Việt Nam cũng vừa trải qua một năm gian nan.
Theo dữ liệu của Financial Times, mức lạm phát ở Việt Nam trong năm 2022 là tương đối thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt so với các nước châu Âu và Mỹ. Lạm phát thấp đồng nghĩa với giá cả không tăng nhiều. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có gần nửa triệu người lao động (loại có giao kết, hợp đồng làm việc với doanh nghiệp) bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do những khó khăn của doanh nghiệp.
Nửa triệu lao động - chưa kể số lao động tự do - bị tác động, kéo theo hàng triệu con người lâm vào khó khăn. Rõ ràng, sức mua của chừng ấy con người đã bị suy giảm đáng kể, nên kể cả giá cả giữ nguyên thì người tiêu dùng cũng không thể chi xài như trước. Nhiều doanh nghiệp đã gắng gồng mình, tránh tăng giá quá mạnh, góp phần dẫn đến chỉ số lạm phát thấp nhưng không thực sự phản ảnh được tình trạng thật sự khó khăn của mọi người thuộc đủ nhóm thành phần trong xã hội.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm hơn cả so với 2022 (khoảng 2,2% so với hơn 3%). Điều này chắc chắn sẽ lại tác động mạnh đến tình hình nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của các nền kinh tế lớn, cũng như việc đầu tư của họ tại Việt Nam. Sự ổn định đời sống của người dân sẽ lại bị thử thách. Cho đến những ngày cuối năm, số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Người lao động chưa thấy tương lai, trong khi đang cần tiền để chống chọi với hiện tại.
Giữa không khí ảm đạm ấy, tôi vẫn tìm được khoảnh khắc ấm áp trong câu chuyện với tài xế taxi, cô hàng nước vỉa hè hay với người bạn doanh nhân... Dường như trong khó khăn chung được bày ra rõ ràng, con người dễ nhìn thấy và thông cảm cho nhau hơn. Tôi nghe anh bạn doanh nhân trong lúc kể khổ không quên day dứt khi nhắc tới những người lao động ít vốn tích lũy. Anh tài xế xe công nghệ tự nhủ mình còn ấm áp hơn các đồng nghiệp chạy xe ôm.
Happy new year, happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year, happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I
(Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới
Chúc cho tất thảy chúng ta có cùng ước vọng
Về một thế giới mà láng giềng là thân hữu
Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới
Chúc cho mọi người có nhiều hy vọng, sẵn lòng cố gắng
Nếu không, chúng ta sẽ gục ngã và lụi tàn
Anh và em)
Nghe lại đoạn sau bài hát "Happy New Year" của ABBA, tôi lại thấy sự trùng khớp. Năm mươi năm trước, ABBA đã mơ về những người hàng xóm thân hữu hay sự thịnh vượng từ đống tro tàn. Và ngay trước thềm năm mới, ở đất Sài thành này, tôi thấy đồng bào tôi vẫn đang nỗ lực làm việc và nuôi hy vọng về tương lai sáng sủa hơn.
Cuối cùng, 2022 đã qua. Năm mới đến, không có lý do gì để không hy vọng vào sự đổi thay ở quốc gia của những con người quen chịu thương chịu khó và yêu lao động.
Võ Nhật Vinh