Trong báo cáo ngày 11/6 đăng trên Science, tiến sĩ Robert Gallo, người từng tham gia phát hiện HIV và các đồng nghiệp từ Mạng lưới Nghiên cứu Virus Toàn cầu, đã chỉ ra lý do vaccine này có thể trở thành "ứng viên" tạm thời ngừa Covid-19.
Đây là vaccine sống, sử dụng virus đã giảm độc lực để kích hoạt hệ miễn dịch sinh kháng thể chống bại liệt. Về lý thuyết, các nhà khoa học tin rằng phản ứng này có thể bảo vệ người khỏe mạnh khỏi mầm bệnh khác, bao gồm nCoV. Đây được gọi là "tác dụng ngoài mục tiêu", theo phó giáo sư, tiến sĩ Denise Faustman, giám đốc miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
Có cấu trúc sợi RNA giống với virus bại liệt, nCoV cũng gây ra hiện tượng suy yếu miễn dịch. Như vậy, vaccine sống có thể làm tăng khả năng chống nhiễm trùng tự nhiên của cơ thể.
Sử dụng vaccine bại liệt đường uống không phải cách làm lâu dài, mà là giải pháp tình thế trong khi đang thử nghiệm vaccine đặc hiệu.
"Sự bảo vệ sẽ suy yếu theo thời gian, tuy nhiên giai đoạn đầu của dịch bệnh rất lý tưởng để ngăn virus lây lan", Tiến sĩ Konstantin Chumakov, thành viên Mạng lưới Nghiên cứu Virus Toàn cầu, nhận định. Ông cũng lưu ý các loại vaccine bại liệt thường được sử dụng nhắc lại, ngay khi phản ứng miễn dịch với mầm bệnh bắt đầu suy yếu.
Tiến sĩ Chumakov cho rằng cần thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để có thêm thông tin cần thiết.
Hiện vẫn chưa rõ đây có phải cách tiếp cận hiệu quả hay không. Một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi. Trước đó, nhiều nhà khoa học Israel, Hà Lan và Australia đã tiến hành thử nghiệm vaccine lao phổi để ngừa Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mạnh mẽ phản đối cách làm này, cho rằng các bằng chứng còn khá lỏng lẻo.
Rachel Roper, phó giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y khoa Brody, Đại học East Carolina, bày tỏ sự lo ngại đối với việc đưa một loại vaccine sống, không chủ đích ngừa Covid-19, vào cơ thể. Ông nhấn mạnh phương pháp có thể gây ra hiện tượng xung đột phản ứng miễn dịch, trong đó kháng thể được sản sinh tập trung đẩy lùi virus bại liệt mà "bỏ qua" nCoV.
Thục Linh (Theo NBC)