Vì vậy, Chính phủ nước này vừa yêu cầu các cơ quan dưới quyền nộp lên bất kỳ khoản tiền mặt dự trữ nào để giúp họ đáp ứng hạn chót với IMF. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - ông Mario Draghi cho biết Hy Lạp cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn có tiền cứu trợ.
Các bên tham gia đàm phán đang cố đạt thỏa thuận trước phiên họp của các bộ trưởng tài chính nhóm nước eurozone vào thứ Sáu này. Giới quan sát đang ngày càng lo ngại Hy Lạp có thể vỡ nợ và phải rời eurozone.
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras cần tiền để thanh toán lương cho quan chức Chính phủ cũng như trả các khoản nợ quốc gia. Nhưng để có tiền cứu trợ, ông cần đạt thỏa thuận với các chủ nợ eurozone trong Ngân hàng Trunng ương trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và phải công bố các biện pháp cải tổ kinh tế.
"Hy Lạp cần làm nhiều, thật nhiều hơn nữa và phải thật khẩn cấp. Tất cả chúng tôi đều muốn Hy Lạp thành công. Câu trả lời nằm trong tay của Chính phủ của họ", ông Draghi cho biết cuối tuần trước.
Khi được hỏi liệu Hy Lạp có thể vỡ nợ hay không, ông chỉ tiết lộ: "Tôi thậm chí không muốn lên kịch bản cho tình huống như vậy. Lãnh đạo Hy Lạp thường xuyên nói rằng họ tôn trọng tất cả nghĩa vụ của mình", ông nói.
Các cơ quan nhà nước Hy Lạp đã được yêu cầu đóng tiền tự nguyện từ trước đó. Nhưng nay, việc này có vẻ đã thành bắt buộc. Dù vậy, đề xuất này của Chính phủ vẫn cần Quốc hội thông qua. "Nó được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ có đủ 3 tỷ euro cần thiết trong 15 ngày tới", Chính phủ Hy Lạp cho biết.
Quy định này áp dụng với tất cả cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, trừ các quỹ hưu trí và một số doanh nghiệp nhà nước. Reuters trích lời một nhà phân tích tại Hy Lạp cho biết: "Đây là động thái chặn trước để đảm bảo họ sẽ có càng nhiều thanh khoản càng tốt. Nhiều cơ quan nhà nước còn đang gửi tại nhà băng hàng tỷ euro ấy chứ".
Hà Thu (theo BBC)