Tuy nhiên, Chính phủ nước này cho biết các ngân hàng sẽ còn đóng cửa đến hết tuần này. "Từ thứ Hai, các dịch vụ sẽ được mở rộng. Các chi nhánh ngân hàng sẽ hoạt động trở lại", Thứ trưởng Tài chính - Dimitris Mardas cho biết trên kênh truyền hình ERT
Động thái của châu Âu diễn ra sau khi Quốc hội Hy Lạp quyết định thông qua kế hoạch cải tổ để được nhận gói giải cứu 3 năm, trị giá tới 96 tỷ USD. Chi tiết của gói cứu trợ sẽ mất vài tuần để đàm phán. Nhưng Hy Lạp cần tiền ngay, để trả hết gần 2 tỷ USD đã vỡ nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hoàn trả 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tuần sau.
Các ngân hàng của nước này cũng cần tiền để tồn tại. ECB đã bác bỏ yêu cầu nới trần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống nhà băng Hy Lạp sau khi nước này rời bàn đàm phán cuối tháng trước.
Hy Lạp sau đó buộc phải đóng cửa ngân hàng nhằm ngăn người dân đổ xô rút tiền khỏi tài khoản. Giới hạn rút mỗi ngày hiện vẫn là 60 euro.
Thị trường đang lo lắng nếu Hy Lạp không đủ tiền trả cho ECB tuần tới, họ sẽ bị đá khỏi eurozone và phải quay về sử dụng đồng drachma. Những năm gần đây, Hy Lạp vẫn vật lộn trong rắc rối tài chính do chi tiêu quá nhiều và mắc khối nợ khổng lồ. Những quốc gia khác đang dùng đồng euro, cùng ECB và IMF, đã cho Hy Lạp vay 233 tỷ euro từ năm 2010.
Nhưng hiện tại, nước này cần nhiều hơn. Để được nhận hỗ trợ tài chính từ nhóm chủ nợ, Hy Lạp cần cam kết cải tổ hệ thống thuế và chi tiêu. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu chấp thuận vòng cải tổ đầu tiên vào hôm qua.
Các cuộc đàm phán chính thức sẽ diễn ra sau khi Đức và một nhóm quốc gia khác được Chính phủ đồng ý xuất tiền cứu Hy Lạp. Phần Lan đã chấp thuận hôm qua. Còn Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu hôm nay.
Hà Thu (theo CNN)