Sau 17 giờ đàm phán, Hy Lạp đã đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ về các điều khoản cải tổ cần thiết để bắt đầu đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ 3 trong vòng 5 năm qua.
Để các cuộc đàm phán diễn ra, thỏa thuận này cần được Quốc hội Hy Lạp và một số nước khác trong eurozone thông qua. Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone cũng sẽ bắt đầu thảo luận về các khoản cho vay bắc cầu (bridge financing), ông Tusk cho biết.
“Đây đúng là một đêm khó khăn, nhưng là bước đi tốt đẹp để gây dựng lại niềm tin”, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde cho biết khi ra khỏi phòng họp.
Trên AFP, Chủ tịch Ủy ban châu ÂU (EC) - Jean-Claude Juncker cũng cho biết không còn rủi ro Hy Lạp rời khỏi eurozone nữa, sau khi Athens chấp thuận điều khoản cứu trợ với các nước trong khu vực.
Thỏa thuận này đồng nghĩa Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thực hiện nhiều hơn các đề xuất cải tổ mà nước này trình lên tuần trước, bổ sung các thay đổi mạnh tay về lương hưu, năng lượng, lao động, thị trường và tăng quy mô chương trình tư nhân hóa. Họ cũng sẽ phải cải tổ hệ thống pháp lý và hành chính công. Việc thực hiện sẽ được giám sát chặt chẽ bởi nhóm chủ nợ.
Khi Hy Lạp đang dần cạn tiền và các nhà băng đã đóng cửa suốt 2 tuần qua, cuộc họp này được coi là cơ hội cuối cùng để họ ở lại eurozone. Quốc gia này đã tê liệt tài chính từ khi bị IMF tuyên bố vỡ nợ ngày 1/7.
Châu Âu và IMF ước tính Hy Lạp cần 82 - 86 tỷ euro trong 3 năm tới, theo tài liệu của Nhóm Bộ trưởng Tài chính eurozone (Eurogroup). Từ năm 2010, họ đã cho nước này vay 233 tỷ euro.
Sau phiên họp, Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras tuyên bố: “Chúng tôi đã ngăn ngừa được khả năng sụp đổ hệ thống ngân hàng và rối loạn tài chính. Gói giải cứu 35 tỷ euro và tái cấu trúc nợ sẽ giúp thị trường hiểu rằng Hy Lạp rời eurozone đã là chuyện quá khứ”.
Dù vậy, Thủ tướng Đức - Angela Merkel cũng cảnh báo Hy Lạp và châu Âu vẫn còn chặng đường khó khăn nữa phải bước qua để hoàn tất gói cứu trợ thứ 3. “Con đường này sẽ rất dài, và được quyết định bởi các cuộc đàm phán tối nay”, bà cho biết.
Hà Thu